Báo động sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long – Bài cuối: Cấp bách chống sạt lở

Do nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nên con người tác động ngày càng nhiều hơn vào thiên nhiên, khiến sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô, mức độ ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến đời sống kinh tế, xã hội và dân cư sinh sống vùng hạ lưu sông Mê Kông.

Ngăn chặn khai thác cát

Người dân cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) che chắn bờ sông để bảo vệ vườn cây. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện hàng trăm điểm sạt lở xảy ra trên các tuyến sông chính như sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông lớn đã được ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn hàng trăm điểm sạt lở cục bộ trên các kênh, rạch nhỏ trong vùng vẫn chưa được đưa vào các ghi chép, nghiên cứu do không có điều kiện để khảo sát.

Để đối phó với tình trạng sạt lở gia tăng, thời gian qua chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã đầu tư nhiều công trình bảo vệ bờ sông nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân sinh sống trong vùng sạt lở.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Linh Thước, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Vấn đề xói lở, bồi lắng tại hệ thống sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng, trở thành điểm nóng về sự quan tâm của xã hội và là điều nan giải được ưu tiên, quan tâm xử lý của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương. Đã có ít nhất  526 điểm sạt lở với chiều dài gần 800 km và hàng ngàn tỷ đồng phải chi để khắc phục hậu quả sạt lở, phục hồi an sinh cho người dân….

“Qua một số nghiên cứu cho thấy có một số nguyên nhân gây sạt lở bờ sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được ghi nhận. Đó là ở nhiều tỉnh trong khu vực việc khai thác cát trong lòng sông chưa thực sự khoa học làm ảnh hưởng đến dòng chảy gây nên hiện tượng sạt bờ”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Linh Thước cho biết.

Mặc dù sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên để hạn chế sạt lở bờ sông, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề cấp bách hiện nay ngoài giải pháp công trình, các tỉnh trong vùng cần hạn chế khai thác cát quá mức, quyết liệt ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên khu vực sông Tiền, sông Hậu. Nếu tình trạng khai thác cát quá mức, tràn lan như hiện nay không có sự kiểm soát chặt chẽ thì chắc chắn sạt lở sẽ tiếp tục diễn ra trầm trọng hơn. Bởi khi khai thác cát ở phía trên thì toàn bộ dòng sông bên dưới và cả bờ biển sẽ bị thiếu cát, khiến tình trạng sạt lở diễn ra với cường độ nhanh hơn.

Theo lý giải của Tiến sĩ Huỳnh Công Hoài, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Khai thác cát có thể hình thành hố xói, khi dòng chảy đi qua hố xói vận tốc sẽ giảm do độ sâu tăng thêm, nên một phần phù sa trong dòng chảy sẽ lắng tụ trong hố và cuối hố xói. Tại đầu hố xói do ảnh hưởng của độ dốc hố xói làm vận tốc tăng lên và gây ra hiện tượng xói, từ đó khiến phần đầu hố sẽ bị xói và cuối hố bị bồi. Hố xói sẽ dịch chuyển ngược dòng chảy, nếu dịch chuyển vào bờ sông, sẽ gây ra hiện tượng xói ở chân mái dốc bờ sông và hình thành hàm ếch gây sạt bờ sông. Hiện tượng sạt bờ do xuất hiện hàm ếch thường xuất hiện ở thượng lưu sông Hậu, sông Tiền, vùng ảnh hưởng lũ như: Đồng Tháp, An Giang.

Để giải thiểu số vụ sạt lở xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, Tiến sĩ Huỳnh Công Hoài cho rằng, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong khu vực cần hành động quyết liệt ngăn chặn việc xây dựng các hồ chứa trên dòng chính sông Mê Kông; quy hoạch đường giao thông và khu dân cư xa bờ sông, kênh, rạch và kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát trên khu vực sông Tiền, sông Hậu.

Bê tông cốt thép quá tốn kém

 

Sạt lở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trở nên nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng khắp các địa phương, gây nhiều thiệt hại về tài sản, đe dọa đến tính mạng của người dân, từ đó đòi hỏi công tác xây dựng các công trình bảo vệ bờ sông ngày một cấp bách. Hiện các giải pháp phòng, chống, khắc phục sạt lở đã và đang được áp dụng để xử lý sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều hình thức, quy mô khác nhau. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc khắc phục các điểm sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Để ứng phó khẩn cấp với sạt lở, thời gian qua, bên cạnh giải pháp di dời dân cư, các hạ tầng cơ sở quan trọng ra khỏi khu vực nguy hiểm do sạt lở gây ra, nhiều tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhiều công trình hiện đại bảo vệ bờ sông, kênh, rạch để chống sạt lở trên diện rộng. Phương án mà nhiều tỉnh, thành tại Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang áp dụng là hình thức gia cố bờ sông khắc phục sạt lở trong các dự án đầu tư bằng kinh phí của Nhà nước như: Gia cố mái sông tự nhiên bằng thảm đá, gia cố bằng các lăng trụ bê tông hay tấm đan bê tông cốt thép, gia cố bằng thảm bê tông tự chèn; gia cố mái sông tự nhiên bằng kè đứng bảo vệ bờ bằng cừ bê tông cốt thép dự ứng lực và kè đứng bằng tường chắn đất truyền thống bê tông cốt thép trên nền cọc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Công Vấn, Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mê Kông đánh giá: Hầu hết các công trình khắc phục sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua được Nhà nước đầu tư lớn với các kết cấu bền vững, bước đầu phát huy tác dụng ngăn chặn quá trình sạt lở bờ sông, đôi chỗ kết hợp hạ tầng chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, cũng còn nhiều công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở được một số địa phương xây dựng hoành tráng quá quy mức so với hiện trạng khu vực đất cần được bảo vệ, một số kè sông kiên cố bằng bê tông cốt thép chỉ để bảo vệ khu vực đất nông nghiệp, vừa tỏ ra tốn kém mà không thân thiện với tự nhiên.

Nói về thực trạng một số công trình chống sạt lở đang triển khai tại một số tỉnh, thành trong vùng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Công Vấn cho rằng: Khái niệm “công trình đẹp” hiện nay vẫn chỉ để nói về các kè sông được xây dựng kiên cố hơn là các công trình gần gũi với tự nhiên; không ít các công trình được xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép chống sạt lở vẫn không thể kiên cố và sụp đổ ngay khi còn chưa đưa vào sử dụng, như vậy vừa tốn kém vừa lãng phí.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, chi phí dành cho các giải pháp công trình cứng bê tông cốt thép chống sạt lở còn khá cao. Trong khi đó, giải pháp bê tông cốt thép chỉ phù hợp với các đô thị, nhưng đối với khu vực nông thôn như khu vực đất nông nghiệp thì không thân thiện với tự nhiên. Bên cạnh đó, giải pháp công trình cứng chi phí khá cao, đòi hỏi nguồn ngân sách để giải quyết các điểm sạt lở là rất lớn, nên Nhà nước và các địa phương không thể bố trí kịp thời dẫn đến hàng trăm điểm sạt lở cục bộ ở khu vực nông thôn xảy ra rất nghiêm trọng, nhưng chưa được quan tâm giải quyết kịp thời, khiến cuộc sống người dân vùng sạt lở gặp rất nhiều khó khăn.

Cần giải pháp thân thiện với tự nhiên

Công trình kè mềm chống sạt lở bờ sông Cần Lố, tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài “bê tông cốt thép”, việc tìm kiếm các giải pháp phòng, chống, khắc phục sạt lở có chi phí thấp, thân thiện với tự nhiên là rất cần thiết cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngay lúc này. Bởi các giải pháp này sẽ phù hợp với nguồn tài chính của mỗi địa phương, bảo vệ được nhiều đất nông nghiệp và con người trong khu vực sạt lở. Đặc biệt, với giải pháp chi phí thấp các địa phương có thể triển khai bằng kinh phí xã hội hóa và người dân trong khu vực sạt lở cũng có thể trực tiếp thi công để bảo vệ tài sản của mình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đề xuất nhóm giải pháp, công trình hỗ trợ và giảm nhẹ sạt lở thân thiện với môi trường cần được áp dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long như: Đối với sạt lở bờ sông ít chịu tác động của sóng tàu thuyền thì có thể phòng chống bằng trồng các loại cây chắn sóng như: dừa nước, đước hay bần. Đối còn đối với sạt lở bờ sông, chân đường giao thông hoặc phía sau các cống ngăn triều cường dòng chảy dao động thì thực hiện kè tường đứng với những bó cành cây, bao đất, cát chống sóng được kết chặt với nhau bằng những thanh gỗ hay thép. Riêng công trình kiên cố bảo vệ bờ sông nơi thị trấn, khu vực đông dân cư cần thực hiện giải pháp kè bảo vệ kết hợp chỉnh trang đô thị.

“Nhóm giải pháp thân thiện với môi trường có thể bảo vệ bờ bằng cách trồng các loại cây chắn sóng đã được nhiều nước tiên tiến áp dụng thành công do thi công đơn giản, thân thiện môi trường, hài hòa thiên nhiên, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái và chính người dân trong vùng ảnh hưởng có thể tham gia thi công nhanh chóng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh cho khẳng định.

Hiện tại Tiền Giang, Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thành công bước đầu ứng dụng công nghệ thảm cát kết hợp với các bao cát sinh thái để phục hồi đoạn sạt lở nghiêm trọng bờ kênh, bờ sông. Kết cấu thảm cát được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Công Vấn, Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mê Kông nghiên cứu, thảm cát được thiết kế hai lớp vải địa kỹ thuật được may lại tạo thành thảm gồm các ống để bơm cát vào trước khi đặt xuống lòng sông.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Công Vấn: Giải pháp thi công thảm cát kết hợp với các bao cát sinh thái xử lý các điểm sạt lở khá đơn giản, thậm chí người dân khu vực sạt lở có thể tự thực hiện được; chi phí xử lý các điểm sạt lở do tàu, thuyền không có hố xói sâu và chỉ cần khoảng trên 10 triệu đồng cho 1m dài bờ sông được bảo vệ, trong khi các kè cứng bê tông cốt thép quy mô tương tự cần chi phí từ 40 – 50 triệu đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh cho rằng: Sạt lở là một hiện tượng tự nhiên có thể xảy ra bất ngờ và để giải quyết triệt để vấn đề sạt lở không thể một sớm một chiều, không được nóng vội mà cần có nghiên cứu, quy hoạch và thực hiện chỉnh trị tổng thể toàn khu vực và trên cơ sở đó đề xuất thực hiện trước các công trình ưu tiên và sẽ từng bước thực hiện các công trình để hoàn thiện theo giải pháp chỉnh trị tổng thể.

“Các công trình trong chỉnh trị tổng thể là một tổ hợp nhiều loại dạng từ loại công trình phòng chống bị động như các kè cấu kết bảo vệ bờ trực tiếp và các công trình chủ động như: kênh phân dòng, đập thuận dòng, đập khóa, phao lái dòng…, nhằm tác động trực tiếp vào dòng chảy, làm thay đổi hướng, kết cấu và độ lớn”,  Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh đề xuất.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh khẳng định: “Về lâu dài, để có giải pháp phòng, chống và khắc phục sạt lở mang lại hiệu quả cao, mang tính bền vững và có lộ trình đầu tư thích hợp thì việc lập quy hoạch chỉnh trị sông cho toàn bộ hệ thống sông, kênh, rạch chính trên địa bàn các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết, làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống sạt lở, hạn chế rủi ro thiên tai; xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp vùng ven sông, ven biển gắn với sinh kế của người dân.

Thanh Sang

Theo TTXVN

Liên quan đến bài viết

Bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *