Tại khu vực bến, bãi tập kết và trung chuyển hàng hóa gần khu vực cầu Đa Phúc, thuộc xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, đang xuất hiện một số bến, bãi mặc dù chưa được cấp phép của cơ quan chức năng, nhưng mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường…
Cát sỏi được đổ đống cao tại 2 bên sông, đã thu hẹp lòng sông Cầu, đoạn qua cầu Đa Phúc
Mục sở thị theo nguồn tin bạn đọc cung cấp, phóng viên NNVN đã tận mắt chứng kiến nhiều đoạn kè bê tông xây vươn ra bờ sông Cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thoát lũ dòng chảy. Dọc bờ sông Cầu, thuộc thôn Sông Công, xã Trung Giã huyện Sóc Sơn TP. Hà Nội, đã xuất hiện nhiều bờ kè bê tông rất kiên cố, nhô hẳn ra dòng chảy của sông Cầu.
Tại các vị trí san lấp, xây kè kiên cố, các loại hàng hóa chất đống cao ngút, hầu hết là những vật liệu nặng như cát, sỏi, đá, gạch làm vật liệu xây dựng và tinh quặng sắt. Một số bến còn có các loại gỗ tròn, gỗ băm…
Giải thích về việc bến bãi không phép và bến bãi lấn chiếm dòng chảy, ông Lê Mạnh Cường – Trưởng Văn phòng Cảnh vụ đường thủy nội địa khu vực 2 cho biết: Văn phòng Cảnh vụ đang quản lý 12 bến, thì cả 12 bến đã được cấp phép. Việc cấp phép hoạt động cho 7 bến là do Chi Cục đường thủy nội địa phía Bắc cấp, còn 5 bến do Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cấp. Việc các bến bãi xây dựng đã tuân thủ theo giấy phép được cấp, không có việc các bến, bãi xây lấn dòng chảy…
Nhiều đoạn kè bằng bê tông bị “dân tố” đã xây lấn ra dòng chảy sông Cầu
Đến khi PV thực hiện kiểm đếm trên thực tế, thì ngay tại khu vực do Cảnh vụ quản lý, có đến 5 bến chưa được cấp phép (có 01 bến hiện tạm ngừng hoạt động vì chưa có đối tác thuê mới – pv ), còn 4 bến vẫn hoạt động bình thường, thậm trí cát sỏi vẫn còn đắp chồng lấn ngay tại mố cầu, ảnh hưởng đến hành lang đầu cầu Đa Phúc.
Người dân Thuận Thành còn tố rằng: Không chỉ có việc đổ bê tông kiên cố lấn, nắn dòng chảy, mà tại khu vực đất bờ sông, sát với doanh trại của Sư Đoàn 312, cũng có một “bến cóc” quy mô lớn, hoạt động suốt ngày đêm, nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý?, bởi ai muốn đến đó buộc phải đi qua sân doanh trại, rất khó tiếp cận hiện trường…
Để kiểm chứng thực tế, chiều ngày 29/6, PV đã bám theo một chiếc xe đầu kéo để vào bến, tận mắt nhìn thấy mọi việc diễn ra đúng như người dân bức xúc. Lượng hàng hóa đang ùn ứ tại đây là mảnh gỗ băm đang được chất đống cao vút, cùng chiếc băng tải vươn dài ra sông để đưa gỗ xuống moong của chiếc tàu lớn.
Tiếp tục đi ngược dòng sông Cầu theo dòng sông Công lên địa phận xã Trung Thành huyện Phổ Yên, suốt chiều dài bờ đê sông Công, xuất hiện nhiều tàu cuốc, có chiếc hì hục múc cát, có chiếc đang neo đậu dưới sông. Còn dọc bờ sông là hàng chục bến cát sỏi lớn, được tập kết ngay sát bờ đê.
Việc khai thác cát dưới lòng sông, dẫn đến một số đoạn đã bị sạt lở vào đất sản xuất nông nghiệp. Nếu không có biện pháp kiểm soát tốt việc khai thác cát sỏi, thì ngay cả những đoạn bờ kè sông Công, mới được đầu tư xây dựng kiên cố, cũng có nguy cơ bị tụt xuống dòng chảy.
Một đoạn kè mới được xây dựng nhằm chống sạt lở bờ sông Công
Cát được tập kết ngay bờ sông Công
Nhiều tàu cuốc đang hoạt động tại dòng sông Công, nguy cơ tạo gây sụt lún bờ đê sông Công
Dân tố “bến cóc” mọc ngay sát doanh trại quân đội thuộc Sư Đoàn 312
Một bến cát chất đống lấn chiếm hành lang cầu Đa Phúc