Hàng chục phương tiện tập trung hút cát trên sông Vu Gia ở vị trí chỉ cách cầu Hà Nha (tỉnh Quảng Nam) gần 100m mà không gặp bất cứ sự kiểm tra nào từ cơ quan chức năng địa phương.
Sông Vu Gia đoạn chảy qua địa phận huyện Đại Lộc (Quảng Nam) dài khoảng 20km nhưng có đến 19 mỏ cát được cấp phép khai thác.
Mỗi ngày có hàng ngàn khối cát được hút khỏi lòng sông đưa lên bờ. Đặc biệt, một số doanh nghiệp dù chỉ có giấy phép múc cát lộ thiên ở đoạn qua xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc), cách cầu Hà Nha gần 100m nhưng lại lợi dụng để hút cát ở lòng sông.
Ngay dưới chân cầu Hà Nha là đại công trình rút ruột cát từ sông Vu Gia. Những phương tiện như máy hút lớn, xe múc, xe tải hoạt động suốt ngày đêm bất chấp an toàn của cây cầu.
Cầu Hà Nha là cây cầu độc đáo trên tuyến đường 14B huyết mạch nối Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, những máy hút cát vẫn hoạt động chỉ cách chân cầu chưa đến 100m. Ông Lê Văn Dương (trú xã Đại Đồng) cho biết người dân từng nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động việc hút cát nhưng việc này vẫn tái diễn.
Những núi cát được hút lên từ dòng sông và tập kết ngay trên sông chờ xe tải đến chở đi. Được biết, đây là công trường khai thác cát của công ty Trường Lợi (trụ sở tại huyện Đại Lộc). Doanh nghiệp này chỉ có giấy phép múc cát lộ thiên nhưng đã sử dụng làm bình phong để hút cát từ lòng sông.
Đại diện UBND huyện Đại Lộc cho biết thời gian tới sẽ tiến hành kiểm tra thực tế việc hút các của doanh nghiệp dưới chân cầu. Nếu thực sự như phản ánh thì sẽ kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam rút giấy phép.
Trong khi chờ đợi chính quyền đi kiểm tra thì mỗi ngày hàng trăm lượt xe tải vẫn vô tư chở cát đi bán. Thậm chí, những doanh nghiệp này còn làm những con đường đi thẳng ra giữa sông để thuận lợi cho việc chuyên chở.
TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cảnh báo việc khai thác cát vượt mức sẽ làm tụt đáy sông, khiến bờ sông không ổn định dẫn đến xói lở. Dòng sông bị xói sâu ở một điểm, lượng cát từ thượng nguồn về sẽ đọng lại ở đây mà không chuyển được về cho hạ du. Lúc này dòng chảy sẽ lấy cát từ chỗ khác của lòng sông để bổ sung và gây xói lở. Khi lũ lớn, hiện tượng sạt lở càng nghiêm trọng, có thể đe dọa hệ thống đê điều, cầu cống.