Tác giả tiêu biểu: Cao Thành Long

Mình “tuổi ngựa đời 6X của thế kỷ XX” nên nhiều bạn bè vẫn nói vui là “có chân đi”! Hiện tại mình đang là phóng viên của Đài PT-TH Sóc Trăng nên cũng có điều kiện đi nhiều. Còn chụp ảnh với mình chủ yếu là để làm công tác tư liệu báo chí là chính.

Trong đợt “nắng hạn lịch sử” ở miền tây trong năm 2016, qua FB mình biết đến vrn.org.vn và từ đây biết được “Đối thoại với dòng sông” và tham gia chia sẻ những câu chuyện bằng hình ảnh của mình ở đây.

Theo mình chủ đề Giới và Phụ nữ của cuộc thi rất hay vì trước đó, những vấn đề này ít được chú ý đến, trong khi vai trò của người phụ nữ ở gia đình, ngoài xã hội là không nhỏ. Đặc biệt nữa là họ có nhiều công việc “gắn với nước” hơn cánh đàn ông nhiều. Mặt khác, họ cũng là một nhân tố quan trọng có thể tác động để cánh nam giới thay đổi hành vi trong việc ứng xử đúng đắn hơn với tài nguyên nước.

Mình tích cực gửi bài dự thi cho cuộc thi bởi sông nước miền tây đối với mình gắn bó từ bé. Mình yêu những con sông, con rạch, con kênh “nước sạch bong” của tuổi thơ, khi mà đám nhóc cả trai và gái tụi mình tắm sông, vọc sình, mò cá, mò tôm… Nay thì có vẻ khó kiếm những con sông, con rạch như vậy rồi!? Đây là nguyên cớ để mình tham gia cuộc chơi này với hy vọng thông qua những câu chuyện mà mình tình cờ bắt gặp có thể có một tác động nào đó để mọi người quan tâm hơn đến việc bảo vệ tài nguyên nước.

Ở góc độ của một người làm báo thì mình nghĩ rằng việc yêu cầu các tác giả đầu tư cho phần lời bình là rất thiết thực bởi lẽ – có những câu chuyện “ẩn phía sau những chi tiết, bố cục” của bức ảnh mà nếu người chụp không kể ra, không chia sẻ thì người xem thật khó đoán định ý đồ mà tác giả muốn chuyển tải đến người xem. Còn về lời bình thì với mình, càng gần gũi với ngôn ngữ đời thường, dễ hiểu và luôn cụ thể thì có thể sẽ dễ cuốn hút người xem hơn.

Tác giả Cao Thành Long (Sóc Trăng) – Giải thưởng tháng 9, tháng 11/2017

Thú thực là kỹ thuật chụp ảnh của mình rất dở! Nhưng bên cạnh tấm hình đẹp, một câu chuyện thú vị cũng rất quan trọng. Mình có một chút kinh nghiệm thực tế muốn chia sẻ là: cần tiếp cận thật gần đối tượng, tạo nên một không khí thân mật, không e ngại, rụt rè khi trò chuyện. Theo mình thì đã đã là 50% thành công cho những công việc tiếp sau là “khai thác thông tin, hợp tác để chụp ảnh”. Với mình, một câu chuyện vui luôn bắt đầu trước khi mình dương máy lên để bấm. Không ít tấm ảnh mình vừa chụp vừa pha trò vui vẻ với người trong khung hình của mình! Câu chuyện của bạn càng bình dị nhưng chân thực và tạo nên cái riêng trong phong cách “kể chuyện bằng hình ảnh” nếu kết hợp được với kỹ thuật chụp ảnh có nghề vững thì sẽ thú vị và ấn tượng nhiều hơn với người xem.

Hiện nay những con rạch, con sông, con kênh ở không ít nơi “đang chết”! “Chết” ở đây có nhiều góc độ, từ ô nhiễm hoá chất, bị lấn chiếm, đến xả thải vô tội vạ.v.v. Có lẽ đây là một đề tài tạo nhiều “ấn tượng mạnh” nhưng lại “cực kỳ khó xơi”, hi vọng cuộc thi sẽ sớm chú ý đến đề tài này và mở ra một sân chơi mới đầy thử thách nhưng thú vị cho công chúng.

Liên quan đến bài viết

Bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *