Việt Nam có 2372 sông có chiều dài trên 10 km. Nếu phân loại theo diện tích lưu vực, có 13 con sông có diện tích lưu vực trên 10.000 km2. Tổng lượng dòng chảy năm của Việt Nam khoảng 830-840 tỉ m3/năm, trong đó 63% tức khoảng 520-525 tỉ m3 chảy từ các quốc gia láng giềng nằm ở thượng nguồn các lưu vực sông chảy vào Việt Nam. Lượng nước sinh ra từ chính lãnh thổ Việt Nam chiếm 37% tổng lượng dòng chảy năm của đất nước, khoảng từ 310-315 tỉ m3([1]). Lượng nước tính theo bình quân đầu người năm (2010) khoảng 9700 m3, cao hơn 2,4 lần so với Châu Á (3970 m3) và và 1,3 lần so với Thế giới(7650m3). Nếu chỉ tính nước nội sinh, bình quân đầu người năm chỉ là 3620 m3/năm. Tài nguyên nước dưới đất (hay còn được gọi là tài nguyên nước ngầm) phân bố rất không đều trong lãnh thổ.
Những con số trên cho thấy là Việt Nam không phải là quốc gia khan hiếm về nước, nhưng không giàu về nước. Nguồn nước chủ yếu chúng ta có được là từ các sông, suối, tuy nhiên với sự gia tăng dân số nhanh chóng, sự phát triển kinh tế trong nước và các quốc gia láng giềng cùng chia sẻ nguồn nước với chúng ta, biến đổi khí hậu và những bất cập trong quản lý các dòng sông, tài nguyên nước của Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức và những thách thức này ngày càng lớn.
Tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước từ ngoài biên giới quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc các hoạt động sử dụng, phát triển tài nguyên nước trên các sông cùng chia sẻ với Việt Nam của các nước láng giềng sẽ tác động trực tiếp đến nguồn nước của Việt Nam. Việc phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước từ bên ngoài được xem là một thách thức lớn cần vượt qua để phát triển và quản lý tài nguyên nước của Việt Nam. Biểu đồ 1 dưới đây cho thấy tổng lượng dòng chảy của các lưu vực sông chính của Việt Nam và tỷ lệ đóng góp từ nguồn nước ngoài biên giới quốc gia.[2]
Biểu đồ 1: Tổng lượng dòng chảy các sông chính ở Việt Nam và tỷ lệ đóng góp nước từ ngoài biên giới
Nước mặt phân bố không đều theo không gian và thời gian: do lượng mưa năm phân bố rất không đều theo mùa dẫn đến có sự phân hóa lớn giữa lượng dòng chảy mùa mưa và mùa khô. Tỷ lệ lượng dòng chảy theo mùa tùy theo vùng là 80-85% tập trung vào 5-6 tháng mùa mưa và chỉ có 15-20% dòng chảy sản sinh và duy trì trong 5-6 tháng mùa khô. Như vậy, về mùa mưa sự tập trung dòng chảy lớn có thể gây nên hiểm họa thiên tai như lũ, lụt. trong khi mùa khô gây nên hiểm họa khác đó là thiếu nước cho con người và hạn hán cho sản xuất. Nhiều vùng nằm trong giới hạn thiếu hoặc hiếm nước. Do nước phân bố không đều giữa các vùng, miền và lưu vực sông, bình quân đầu người hiện nay của một số hệ thống sông khá nhỏ: 5000 m3đối với các hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Mã và chỉ là 2980 m3 ở hệ thống sông Đồng Nai. Theo Hội Tài nguyên Nước Quốc tế (IWRA), nước nào có mức bảo đảm nước cho một người trong một năm dưới 4000 m3 thì thuộc loại thiếu nước và nếu nhỏ hơn 2000 m3 thì thuộc loại hiếm nước. Theo tiêu chí này, nếu xét chung cho cả nước thì nước ta không thuộc loại thiếu nước, nhưng không ít vùng và lưu vực sông hiện nay đã thuộc loại thiếu nước và hiếm nước, như vùng ven biển Ninh Thuận – Bình Thuận, hạ lưu sông Đồng Nai. Đó là chưa xét đến khả năng một phần đáng kể lượng nước được hình thành ở nước ngoài sẽ bị sử dụng và tiêu hao đáng kể trong phần lãnh thổ đó.
Ngoài thách thức do điều kiện địa lý khu vực chi phối, tài nguyên nước của Việt Nam cũng đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức có nguyên nhân nội tại. Những thách thức này được nhận thấy rất rõ rệt trong những thập kỷ gần đây khi dân số gia tăng và đặc biệt sự phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ, các nguyên nhân nội tại có thể bao gồm:
Lượng nước bình quân đầu người giảm do dân số gia tăng. Lượng nước bình quân đầu người đã giảm khá nhanh từ 12.800 m3vào năm 1990, giảm còn 9700 m3 năm 2010 và có khả năng chỉ còn khoảng 8300 m3/người vào khoảng năm 2025 khi dân số Việt Nam đạt 100 triệu.
Tài nguyên nước bị suy giảm và cạn kiệt ô nhiễm. Nguồn ô nhiễm từ nước thải công nghiệp, làng nghề, nước thải sinh hoạt không qua sử lý và hoạt động nông nghiệp vào các dòng sông và nguồn nước dưới đất đang là nguyên nhân chính làm suy giảm nhanh chóng số lượng nước có thể sử dụng được.
Báo cáo Đánh giá Môi trường Quốc gia 20106 nêu “Đối với các lưu vực sông, ô nhiễm chất hữu cơ đã và đang xảy ra ở nhiều đoạn sông, tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu. Có nơi, ô nhiễm đã ở mức nghiêm trọng, điển hình như vấn đề ô nhiễm môi trường nước tại khu vực hạ lưu các sông và hệ thống hồ ao, kênh mương và các sông nhỏ trong khu vực nội thành, nội thị.
Tuy nhiên mức độ ô nhiễm còn phụ thuộc vào yếu tố thủy văn của dòng chảy. Mức độ ô nhiễm cũng tăng cao vào mùa khô khi lưu lượng nước đổ về các sông giảm. Ngoài ra, mức độ ô nhiễm nước còn phụ thuộc mạnh vào hiệu quả kiểm soát các nguồn thải đổ vào nguồn nước. Thực tế hiện nay, do các nguồn thải đổ vào lưu vực sông hầu như chưa được kiểm soát làm cho vấn đề ô nhiễm nước mặt đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.”[3]
“Nhìn chung, các đoạn sông chảy qua các khu đô thị, khu vực tập trung các hoạt động sản xuất công nghiệp, khai khoáng, sau khi tiếp nhận các nguồn nước thải chưa qua xử lý của các đô thị và của các cơ sở sản xuất thì chất lượng nước thường giảm suát đáng kể. Theo kết quả quan trắc các hệ thống sông chính trên cả nước, nhiều chất ô nhiễm trong nước có nồng độ vượt quá quy chuẩn cho phép, dao động từ 1,5 đến 3 lần. Tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài trong nhiều năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của dân cư và làm mất mỹ quan các khu vực.”[4]
“…ngoài nguyên nhân do khai thác nước dưới đất quá mức thì hoạt động phát triển các ngành cũng thải ra lượng lớn các chất ô nhiễm theo nước mặt ngấm vào các tầng nước gây ô nhiễm các tầng chứa nước. Hiện nhiều nơi đã phát hiện dấu hiệu ô nhiễm Coliform vượt quy chuẩn cho phép từ hàng trăm đến hàng nghìn lần.”7
Đồng thời những hoạt động tự phát, không có quy hoạch của con người như chặt phá rừng bừa bãi, canh tác nông lâm nghiệp không hợp lý và thải chất thải bừa bãi vào các thuỷ vực… đã và sẽ gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng, làm cho nguồn nước bị cạn kiệt, bị ô nhiễm, hạn hán có khả năng càng khốc liệt. Nguy cơ thiếu nước sạch càng trầm trọng, nhất là vào mùa cạn ở các vùng mưa ít.
Sự phát triển mạnh mẽ các công trình thủy điện: trên tất cả các lưu vực sông lớn nhỏ của Việt Nam và các lưu vực sông xuyên biên giới, rất nhiều công trình thủy điện với các quy mô khác nhau đã và đang xây dựng. Thủy điện đóng góp phần khá quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng, đóng góp thu nhập cho nền kinh tế cho các quốc gia, nhưng rõ ràng thủy điện là công trình hạ tầng chặn ngang các sông suối, làm thay đổi dòng chảy của dòng sông, thay đổi hình hài, môi trường của dòng sông. Việc quản lý và sử dụng nước tài nguyên ở các hệ thống hồ chứa nếu không hợp lý có thể gây mâu thuẫn thậm chí xung đột giữa các ngành, các hộ dùng nước, đặc biệt là giữa thủy điện và môi trường, thủy điện và nông nghiệp, thủy điện và thiên tai như lũ lụt, hạn hán ở hạ lưu công trình. Các tác động có thể lâu dài chưa lường hết.
Biến đổi của khí hậu toàn cầu đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Theo đánh giá bước đầu, vào khoảng năm 2070, với kịch bản nhiệt độ không khí tăng thêm 2,5 – 4,50C, lượng dòng chảy sông ngòi cũng sẽ biến đổi tuỳ theo mức độ biến đổi của lượng mưa, nếu lượng mưa giảm 10% thì dòng chảy năm có thể giảm 17 – 53% đối với kịch bản nhiệt độ không khí tăng 2,50C và giảm 26 – 90% với kịch bản nhiệt độ không khí tăng 4,50C. Mức độ biến đổi mạnh nhất xảy ra ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Trái đất ấm lên sẽ làm cho nước biển có thể dâng cao thêm 0,3 – 1,0 m và do đó nhiều vùng thấp ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ sẽ bị ngập chìm trong nước biển. Nếu nước biển dâng 1 m, diện tích ngập lụt là 40.000 km2, chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, 1700 km2 vùng đất ngập nước cũng bị đe doạ và 17 triệu người sẽ chịu hậu quả của lũ lụt.
Công tác quản lý tài nguyên nước đã được cải thiện nhưng còn nhiều bất cập. Công tác quản lý tài nguyên nước Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thập niên vừa qua. Năm 1998 với việc công bố Luật Tài nguyên Nước đầu tiên của Việt Nam, tài nguyên nuớc đã được xác định “Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước” và “Tài nguyên nước thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” [5].
Bảo vệ các dòng sông chính là bảo vệ chúng ta hôm nay và các thế hệ tương lai, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc. Phải xem sông ngòi là mạch máu và nước là máu đối với con người để cùng chung tay hành động vì các dòng sông của đất nước.
[1] Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE), 2006. Chiến lược Quốc gia về Tài nguyên Nước đến 2020.
[2] Nguồn: Trần Thanh Xuân, 2010.
[3] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2010). Báo cáo Môi trường Quốc gia 2010, Chương 4: Môi trường Nước, trang 70.
[4] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2010). Báo cáo Môi trường Quốc gia 2010, Chương 4: Môi trường Nước, trang 78.
[5] Luật Tài nguyên Nước Việt Nam (1998): Phần mở đầu và Điều 1, Chương 1
TS. Đào Trọng Tứ – Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam