Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho rằng công trình ngọt hóa khiến sụt lún nghiêm trọng hơn khi nước sông Mekong ít dần.
– Thưa ông, tại sao hiện nay một số nơi ở miền Tây như Cà Mau xảy ra tình trạng sụt lún đường giao thông, đê biển nghiêm trọng?
– Sạt lở, sụt lún hay các sự cố môi trường khác, đều có hai nguyên nhân, là do tự nhiên và con người. Nhưng ảnh hưởng của con người thường là lớn hơn, vì tự nhiên luôn diễn ra rất chậm. Tôi ví dụ, như nước biển dâng mỗi năm chỉ vài mm, nhiệt độ tăng mỗi năm chỉ một ít, nói chung sự thay đổi là một quá trình dài.
Nhưng sự tác động của con người thường mới là vấn đề chính. Từ xưa, những vùng trũng như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười là vùng tự nhiên chứa nước lũ, người dân bỏ đất không làm vụ ba, cho ngập lũ đón phù sa.
Có giai đoạn đất nước sau chiến tranh còn nghèo, thiếu ăn, nên phải bảo đảm an ninh lương thực bằng cách mỗi địa phương tự sản xuất lúa, dự trữ càng nhiều càng tốt.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho rằng con người là tác nhân chính của các vấn đề môi trường hiện nay, khi chúng ta ngày càng đi ngược với các quy luật tự nhiên
Bây giờ, tư duy “tích trữ” ấy vẫn còn ảnh hưởng. Để làm vụ ba, chúng ta làm đê bao ngăn lũ, thậm chí là dự án thoát lũ ra biển Tây, vì chúng ta coi lũ là thiên tai, trong khi lũ là hệ sinh thái cần thiết. Chúng ta làm ngược lại quy luật tự nhiên, nên đất mất đi lớp nước trữ, khô hạn sẽ gia tăng.
Mỗi vùng có hệ sinh thái đặc trưng, khi đóng các cửa sông lại, để đưa nước ngọt vào sẽ xóa đi hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Việc này về cơ bản vừa tốn thêm chi phí rất lớn để làm nông nghiệp, mà chủ yếu là làm lúa. Nghịch lý là lúa sản xuất càng nhiều thêm, nhưng nông dân vẫn không giàu lên. Những vùng ven biển, bán đảo Cà Mau tương tự, thay vì thuận thiên, thì lại chủ trương ngọt hóa.
Thứ hai, trồng lúa từ xưa nay dễ quá nên nông dân không có sự sáng tạo so với các lĩnh vực khác, về lâu dài bị ù lỳ về kiến thức.
Quan trọng hơn, huyện Trần Văn Thời là vùng đất mặn từ trong đất, chứ không phải mặn từ trong nước, vì Cà Mau không nhận được nước trực tiếp từ sông Mekong. Phù sa Mê Kông sau khi ra Biển Đông tụ lại tại khu vực cửa biển, nước biển pha trộn phù sa với chất hữu cơ, vi sinh hình thành nên vùng đất Cà Mau. Nên dù có ngăn mặn lại cũng không giải quyết được vấn đề căn cơ từ bên trong đất, mà muốn vậy, phải dẫn nước ngọt từ Mê Kông về rửa.
Dĩ nhiên, trồng lúa ở vùng mặn sẽ không có hiệu quả bằng các vùng ngọt. Cộng thêm biến đổi khí hậu, nước sông Mê Kông ngày càng ít, sẽ xảy ra tình trạng mặn không vô được, nhưng ngọt cũng không tới. Đất tại những nơi đó thiếu nước, sẽ co lại, sụt xuống, đặc biệt năm nay khô hạn nhiều.
Vừa rồi, đang có tranh cãi của tỉnh Cà Mau, là trả lại nước cho đất, nhưng nước ở đâu. Khi họ hỏi, chúng tôi quan điểm phải trả lại hiện trạng ngập mặn tự nhiên như ngày xưa, thuận thiên là giải pháp rẻ tiền nhất.
Trong khi dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau bỏ ra hàng nghìn tỷ, đang chuẩn bị xây đập Cái Lớn, Cái Bé, nếu đưa nước mặn vô, dự án này sẽ bị phá sản. Trong khi nước ngọt hiện nay người dân còn thiếu để sinh hoạt, nên lấy đâu ra nước ngọt để bơm vào vùng này, và liệu bơm bao nhiêu cho đủ.
– Nhưng một số tỉnh như Bến Tre đang triển khai các dự án ngọt hóa quy mô lớn, ông đánh giá sao về dự án này?
– Điều kiện của hai địa phương khác nhau, Bến Tre là đất ngọt, cũng bị nhiễm mặn, nhưng nhiễm từ sông rạch, nên dự án nói trên, có thể giải quyết được một phần.
Nhưng liệu chúng ta có nên cân nhắc về việc, nên tập trung đầu tư hệ thống ống dẫn nước ngọt cho sinh hoạt, hơn là cho sản xuất, vốn phải bỏ ra chi phí đầu tư quá lớn, trong khi thu lại hiệu quả không cao.
– Tình trạng sụt lún đang phức tạp, một nghiên cứu quốc tế cảnh báo rằng, phần lớn Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập vào năm 2050, đây là một dự báo bi quan?
Đưa ra giả thuyết là để cảnh báo chúng ta cần có những kế hoạch hành động ngay. Các kịch bản được đưa ra trong điều kiện chúng ta khai thác nhưng không có các biện pháp gì để khắc phục, như tiếp tục hút nước ngầm khiến đất ngày càng sụt lún. Cộng với nước biển dâng, đến giai đoạn triều cường, có thể là một nửa miền Tây bị ngập.
– Nhiều người đang lo lắng về các đập thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông, theo ông tác động của các đập này như thế nào với nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long?
– Thật ra vấn đề này thế giới, Ủy ban sông Mê Kông, Bộ Tài nguyên và Môi trường lẫn các cá nhân nhiều nhà khoa học cũng đã có nhiều nghiên cứu.
Kịch bản có khác nhau, có thể là đóng luôn, chỗ này đóng chỗ kia mở, hoặc là không đóng hẳn mà đóng theo một chu kỳ nào đó.
Nhưng nguyên tắc của thủy điện là làm một con đập chặn ngang dòng chảy để tích nước lại, sau đó dẫn qua các tua bin phát điện. Khi tích nước đầy đến một lượng nhất định sẽ phải xả ra. Vấn đề là khi nào đóng và khi nào mở.
Về lý thuyết, mùa mưa nước nhiều sẽ đóng và trữ nước, mùa khô xài điện nhiều, xả để phát điện. Mặt tích cực của thủy điện là giữ nước mùa mưa, bớt lũ lụt, mùa khô xả nước cung cấp cho hạ nguồn. Tất nhiên, còn nhiều vấn đề như các loài cá di cư, lượng phù sa, nhưng ở đây đang chỉ nói đến nước.
Tuy nhiên, đó là những năm bình thường, gặp những năm cực đoan, khi khô hạn nhiều, nước không đủ, nên sau mùa mưa, mùa khô họ sẽ vẫn giữ nước lại, khi nào cao điểm cần điện mới xả ra từ từ. Hoặc là mùa mưa giữ nước lại, nhưng gặp năm bão liên tiếp, phải xả, đang ngập lũ gặp xả, lũ sẽ chồng lũ. Hoặc là họ giữ nước trong hồ chứa nhưng xả qua một khu vực khác, như Trung Quốc và Thái Lan từng thực hiện.
Thủy điện cũng là một tác nhân gây ra thay đổi dòng chảy, thường gây bất lợi cho chúng ta nhiều hơn. Họ sử dụng thủy điện cho mục đích khác, phát điện chỉ là mục tiêu phụ thứ hai.
Chúng ta có thể có phương án khắc phục các vấn đề trên, thậm chí có thể tính đến phương án không cần nguồn nước từ Mê Kông, mà sử dụng các giải pháp khác thay thế, nhưng chúng ta phải trả giá rất lớn cho việc đó.
– Sạt lở, sụt lún, hạn mặn đã khiến nhiều người dân miền Tây mất nhà cửa, đất sản xuất, ly hương. Theo ông, liệu còn hệ lụy nào lớn hơn đến môi trường xã hội do các hiện tượng thiên tai này?
– Bản thân tôi là dân di cư, từ miền Trung và Nam lập nghiệp, dù không phải do thiên tai, cũng mất gần 20 năm để ổn định cuộc sống. Nghĩa là về mặt môi trường xã hội, người dân sau thiên tai sẽ mất thời gian khá lâu để xây dựng lại cuộc sống ổn định.
Mặt khác, tác động của thiên tai sẽ tạo ra một hệ lụy về mặt xã hội, khi lực lượng chủ chốt trong độ tuổi lao động để phát triển nông thôn bỏ đến các thành phố xin việc. Con cái họ bỏ lại cho ông bà chăm sóc, những đứa trẻ sẽ ít được giáo dục hơn gây bất ổn về mặt giáo dục.
Các nạn nhân của thiên tai sẽ mất kết nối với cộng đồng cũ, và chiếm một phần nơi ở, công ăn việc làm của cộng đồng nơi ở mới tiếp tục tạo ra xung đột khác. Cũng có nhiều trường hợp, họ vẫn đem những thói quen xấu từ một nền nông nghiệp lâu năm, kỷ luật lao động thấp.
– Như ông nói, các dự án ngăn mặn, ngọt hóa… trái với tự nhiên đang làm trầm trọng hơn tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng liệu “thuận theo tự nhiên” thì sẽ bảo thủ, cản trở phát triển?
– Tự nhiên sẽ có khả năng tự hồi phục, như cháy rừng, cây chết, nhưng sau đó sẽ tái sinh, nhưng cũng có giới hạn của nó, hoặc sẽ cần thời gian rất dài. Có nhiều người quá nặng về mặt công trình, có người quá nặng về mặt sinh thái, muốn quay lại thời kỳ hồng hoang.
Tôi nghĩ rằng con người ta về cơ bản vẫn cần phát triển, nhưng làm sao phải hài hòa mà không tàn phá thiên nhiên. Không thể nào đưa xã hội về thời kỳ săn bắt hái lượm được.
Vùng ven biển, chúng tôi đang hỗ trợ nông dân mô hình lúa tôm, mùa mưa thì vẫn trồng lúa, không bắt buộc phải bỏ, còn mùa nắng thì nuôi tôm, hoặc mô hình tôm – rừng. Tất nhiên sẽ khó khăn cho nông dân giai đoạn đầu vì đã quen với thói quen canh tác cũ nhiều đời. Mô hình ban đầu mà sai sẽ như căn nhà thiết kế sai, xây tiếp không được mà đập bỏ thì lãng phí.
– Việc khai thác cát sông là một phần nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, song nhiều công trình, trong đó có công trình chống sạt lở, sụp lún lại đang lấy nguồn cát đó. Ông nghĩ sao về nghịch lý này?
– Như đã nói, sạt lở đã có từ xa xưa, dòng sông bên lở bên bồi là một quy luật tự nhiên, chúng ta chỉ làm sao cho tình trạng này giảm bớt, hoặc là cố tình cho sạt lở những vị trí không quan trọng, ít có giá trị.
Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, nhiều khu vực sông cũng xảy ra tình trạng tương tự. Thật ra một số nơi, nếu không xây cũng lở, nhưng khi xây thì sẽ lở nhanh hơn do chịu thêm tải trọng.
Vàm Nao như các sông rạch khác từ ngàn xưa giờ đều xảy ra hiện tượng xói lở, nhất là khu vực các xoáy nước chảy mạnh, chênh lệch mực nước lớn. Như một số khu vực đường giao thông từ Long Xuyên đi Châu Đốc, dù không xây dựng nhà cửa, nhưng bờ sông vẫn bị lở.
Cát là nền cho đồng bằng phát triển, phù sa gồm bùn và cát bồi từ từ. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long địa chất non, không có phù sa không làm gì cũng lún, nhờ phù sa bù lún, nâng cao đồng bằng.
Sông miền Nam phù sa nhiều nên chảy chậm, không như sông các nơi khác. Sau này mất phù sa, gây nên hiện tượng “nước đói”, thiếu phù sa, mà “đói” thì phải “ăn”, thì phải chảy nhanh hơn, để giảm vận tốc lại, bù lại sự cân bằng, nên gây ra sạt lở.
Chúng ta cần cát xây dựng, nhưng khai thác không khoa học, và quá mức. Vấn đề là chúng ta cần nghĩ đến các vật liệu không phụ thuộc vào cát, như làm nhà cao tầng bằng khung thép, hoặc vật liệu thay thế, hoặc chúng ta nhập cát, hoặc chúng ta dùng cát nhân tạo, không dùng cát sông nữa. Hiện các nước như Singapore, Trung Đông họ đang làm điều tương tự.
Đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với văn minh sông nước, hoặc đơn giản, chúng ta cứ làm nhà sàn, nhà cao chân, vừa thích nghi với môi trường, vừa đỡ dùng đến vật liệu san lấp như cát.
– Bản thân ông cũng là một lưu dân đến Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông, sự thay đổi của tự nhiên tác động như thế nào đến tính cách của người miền Tây?
– Khi gia đình tôi mới vô Nam, lúc đầu ở Sài Gòn, nhưng ba tôi không thích nơi ồn ào, nên mới về Cần Thơ định cư.
Thời đó rất dễ sống, chỉ cần đem cần câu đi chút xíu đã có cả rổ cá, ra sau vườn hái bao nhiêu là rau. Người dân thời đó, đi ngang qua vườn xin mớ rau, con cá họ đều rất cởi mở. Nhờ sự hào phóng tự nhiên lẫn tính cách này mà những lưu dân mới đến mới nhanh chóng thích nghi được.
Trong đồng ruộng xưa có câu rất phổ biến, “Điền tư ngư công”, ruộng là của riêng nhưng cá thì của mọi người, là văn hóa chia sẻ. Khát nước đi ngang nhà để sẵn cái lu, có thể xin hoặc khỏi xin vô múc uống cũng được, hay ngủ nhờ cũng được, hoặc đang bữa cơm mời vô ăn chung bữa. Dỡ chà bắt cá thì cho người đến sau bắt hôi, kiếm cá nhỏ hơn, vịt chạy đồng thời đó cũng cho ăn miễn phí trên ruộng.
Về sau, khi có các loại hình kinh tế phát triển, cùng với hệ thống đê bao khép kín, lũ ít về, dù tính chia sẻ của người miền Nam còn nhiều, trong khó khăn thiên tai, nhưng sự nhiệt tình chắc chắn đã giảm đi nhiều.
Hoàng Nam – Phạm Linh- Huy Phong
Theo Vnexpress.net