Tôi tên là Hồ Quốc Minh, sinh năm 1986, quê quán Phú Hữu, Châu Thành, Hậu Giang. Hiện tôi là biên tập viên, phòng Tin tức, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Cần Thơ.
Tôi biết đến cuộc thi “Đối thoại với dòng sông” rất tình cờ, nhờ một lần lướt facebook. Chợt nghĩ mình cũng có đi nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long để tác nghiệp, có chụp khá nhiều hình ảnh, nên lưu lại thông tin về cuộc thi và dự định sẽ tham gia. Lúc đầu ngồi lựa lại hình cũ thì mới phát hiện ra không đạt yêu cầu của cuộc thi (về thời gian, chủ đề), nên dặn lòng là các chuyến công tác sau này sẽ để tâm nhiều hơn để chụp ảnh mới. Và khi có được những bức hình đầu tiên, tôi đã gởi về cho Ban tổ chức để dự thi.
Tác giả Hồ Quốc Minh (Cần Thơ) – Giải Ba chung cuộc 2017; Giải thưởng tháng 12/2017
Theo tôi, tài nguyên nước quan trọng với tất cả mọi người, không riêng vì phụ nữ. Nhưng ở miền Tây, dường như người phụ nữ gắn đời mình với những dòng sông, với những dòng chảy nhiều hơn. Đó không phải là vì dân gian có câu “phận gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu”, mà đó là vì cuộc sống của họ gắn liền với những hoạt động liên quan đến sông nước. Từ chèo ghe đi mua bán trên sông, từ ngụp lặn dưới mương để xúc cá, bắt tép cho bữa ăn gia đình, rồi giặt giũ, tắm gội… và rất nhiều hoạt động khác nữa. Lẽ dĩ nhiên, không thể không nhắc chuyện cũng nhiều khi là thẩy rác xuống sông sau một ngày dọn dẹp, bếp núc. Nói như vậy không phải để đổ hết lỗi cho người phụ nữ, mà là để thấy rằng cần có những sự thay đổi để người phụ nữ (đối tượng dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ) có được sự an toàn khi gắn bó cuộc đời mình với những dòng sông, con rạch. Sẽ ra sao nếu họ phải tắm sông mà sông thì mang trong mình đầy những rác ni lông, xác động vật và cả thuốc trừ sâu từ ruộng đồng chảy ra? Sẽ ra sao nếu nguồn nước để nấu cơm cho cả gia đình được lấy từ những dòng sông đang chết dần chết mòn vì ô nhiễm ấy? Sẽ ra sao nếu những dòng chảy không còn chảy được vì rác? Từ những chủ đề gợi ý của cuộc thi năm ngoái và năm nay, tôi nghĩ sẽ có nhiều người quan tâm hơn về chuyện bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống của chính mình trong hiện tại và tương lai.
Cuộc thi “Đối thoại với dòng sông” cũng khá khác biệt khi yêu cầu các tác giả đầu tư cho phần lời bình. Theo tôi, hình ảnh là khoảnh khắc. Nếu khoảnh khắc tốt, đủ để kể một câu chuyện hay. Nhưng, cũng như ăn một dĩa cơm tấm vậy. Cơm ngon, thịt ngon. Người ta vẫn cần thêm dưa chua, nước mắm, ớt. Lời bình cũng giống như những phần phụ ấy của dĩa cơm. Không có thì vẫn là cơm sườn (đã đủ cơm, đủ sườn), nhưng cảm giác sẽ thiếu thiếu và kém ngon. Đầu tư cho lời bình cũng sẽ giúp người xem dễ hiểu hơn, hiểu sâu hơn, và rộng hơn về câu chuyện phía sau tấm hình. Nếu như hình ảnh là tĩnh thì lời bình là động, khơi gợi cho người xem những suy nghĩ xa hơn, vượt qua khuôn khổ của tấm hình.
Thật thà mà nói, động lực đầu tiên khiến tôi tham gia cuộc thi là cơ cấu giải thưởng được ghi trong thể lệ. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng muốn những gì mình nhìn thấy, những gì mình ghi lại được bằng hình ảnh đến được với nhiều người hơn, để những câu chuyện đằng sau mỗi tấm hình có thể sẽ đủ mạnh để mọi người lưu tâm và bắt đầu có những thay đổi trong cách mình đang đối xử với thiên nhiên, với môi trường. Lần đầu tiên gửi ảnh dự thi, tôi đã đạt giải, thực sự đó là bất ngờ rất lớn. Xin chân thành cảm ơn BTC cuộc thi!