Top 16 tác phẩm tháng 7/2018

Lưu ý: Các tác phẩm được sắp xếp ngẫu nhiên, không theo thứ tự điểm số.

Thể lệ và cách thức tham dự cuộc thi vui lòng xem tại đây.

Thu hoach hoa súng – Nguyễn Văn Luận

Hàng năm khi mùa nước lên cũng là mùa hoa súng nở rộ. Cả gia đình đi thu hoạch hoa súng để đem ra chợ bán. Đây là nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình.

Trông con trên chợ nổi – Nguyễn Văn Nhân

Được tạo điều kiện, ba trăm ngoài hộ “mẹ” đã lên định cư trên bờ để bắt đầu cuộc sống mới, còn lại mấy mươi hộ “con” không tấm giấy lộn lưng đành phải ở lại tiếp tục cuộc sống nổi trôi theo cơn sống dập dềnh. Đó là số phận của những người sống ở “xóm ghe” thuộc khóm Đông Thịnh I (phường Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, An Giang).

“Xóm ghe” nằm dọc bên sông Hậu được xếp dãy thành hàng. Mỗi ghe đậu mỗi kiểu. Có chiếc diện tích tàm tạm thì dành hẳn mũi và lái làm không gia sinh hoạt. Ghe nhỏ lụp xụp thì chỉ che tạm bợ vài tấm bạt sau lái để nấu nướng. Nhiều ghe được thiết kế như trên đất liền, chỉ có điều nền gỗ, nổi trên mặt sông là những chiếc phao làm bằng thùng phuy hoặc thùng xốp.

Xómn này hình thành và tồn tại khoảng 20 năm nay. Công việc chính của họ là: chạy đò, bán vé số, phụ hồ, làm công nhân cho các nhà máy… Do cuộc sống khó khăn, con cái đa phần là mù chữ, rất nhiều gia đình ở xóm ghe đã đành để con gái lấy chồng khi chưa đủ tuổi. Minh chứng là trường hợp của chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, dù mới 25 tuổi nhưng đã là mẹ của 4 đứa trẻ.

Dân “xóm ghe” không chỉ khó khăn về điện, nước mà môi trường sống rất ô nhiễm bởi nước trong cống cầu Cái Sơn, Tầm Bót đổ thẳng ra sông rất hôi thối. Muốn giặt quần áo hoặc tắm thì họ phải chờ đến con nước lớn. Họ rất sợ mỗi khi mưa gió vì nhiều chiếc ghe đã bị sóng đánh vỡ. Sống trên ghe họ đã từng chứng kiến mấy chục trường hợp bị đuối nước do say rượu, leo rào và vui đùa của trẻ em khi bố mẹ vắng nhà.

Ngày hội “săn” cá bông lau – Nguyễn Văn Nhân

Những ngày đầu tháng 3 dương lịch, sông Tiền dường như náo nhiệt hơn vì vào cao điểm của mùa săn cá bông lau. Người dân làm nghề tập trung đông nhất phải kể đến là xã Tân Huề (H.Thanh Bình, Đồng Tháp). Khoảng 16 giờ, ngư dân lội đẩy chiếc xuồng mắc cạn giữa con kênh khô queo. Sau 15 phút chạy xuồng máy, họ đã đến được một chiếc phao phân luồng các phương tiện đường thủy đặt giữa sông Tiền. Tại đây có khoảng hơn 10 xuồng đang neo đợi nước lớn và trời nhá nhem tối sẽ tiến hành bủa lưới.

Khi màn đêm buông dài trên khúc sông hàng cây số ở sông Tiền kèm theo đó là tiếng máy chạy lạch cạch, tiếng chèo khua nước, tiếng “í ới” gọi nhau. Chẳng mấy chốc chiếc xuống cui chất đầy lưới, đèn báo hiệu của vợ chồng anh Trần Văn Khởi đưa chúng tôi từ đầu chợ Phú Mỹ xuống gần phà Thuận Giang. Đến đoạn nước sâu, anh Khởi tắt chiếc máy đuôi tôm, còn vợ anh nhanh tay nắm cán chèo chầm chậm đẩy nước bủa lưới.

Được biết, bãi cá bông lau ở cù lao Năm Xã dài khoảng 2 cây số, hàng đêm quy tụ trên 50 xuồng đánh bắt chuyên nghiệp. Những lúc xuồng ghe đông đúc họ phải nằm “chờ tài”. Người nào đến trước thì được quyền thả trước, mỗi luồng lưới bủa trên sông cách nhau khoảng 100m. Về đêm, những chiếc đèn báo hiệu nổi từng hàng giăng kín cả khúc sông.

Nghề giăng cá bông lau ngư dân phải thức sáng đêm để canh tàu ghe “ăn” lưới cũng như canh chỉnh cho đường lưới thẳng hàng. Cá bắt được đa phần là chết dưới nước, còn con nào phát hiện sớm cũng chỉ sống được tới sáng. Thường mỗi xuồng đi săn lúc nào cũng có hai người gồm: vợ – chồng, cha – con, anh hoặc em. Mỗi đêm săn cá nhiều xuồng có nguồn thu nhập lên đến vài triệu đồng.

Cào nghêu – Kiều Anh Dũng

Do biến đổi khí hậu nên công việc nuôi nghêu cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế mặc dù mặt trời đã lặn, những người phụ nữ của vùng biển Tân Thành (Gò Công) vẫn ra biển cào nghêu để bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

 

Thu hoạch củ ấu – Lò Văn Hợp

Cây ấu mọc dưới nước nhưng củ lại mọc trên mặt nước, khi thu hoạch mọi người xếp hàng theo luống và hái củ cho vào thau. Trồng củ ấu đòi hỏi phải có mực nước sâu từ 30-50 cm. Mỗi năm làm được 2 đến 3 vụ, mỗi hecta (10.000m2) một năm thu trung bình 20 – 30 triệu. Nếu khô hạn thì sẽ không trồng được.

Huấn luyện viên bơi vùng lũ – Nguyễn Văn Nhân

Hiểu được nỗi đau của những gia đình có con bị đuối nước do không biết bơi, nên khi chính quyền địa phương triển khai kế hoạch phổ cập, bà Trần Thị Kim Thia (60 tuổi, ngụ ấp 4, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đồng ý làm “huấn luyện viên” dạy bơi. Tự nguyện dạy vì yêu trẻ, mỗi đầu khóa huấn luyện người phụ nữ nghèo phải đến từng gia đình vận động cho các em tham gia.

Thời điểm đầu, mỗi khóa bơi được bà Thia huấn luyện chỉ tập trung ở 1-2 ấp, lượng học viên dao động ở mức 70 – 80 em. Sau một thời gian, nhiều phụ huynh thấy bà dạy hiệu quả nên đưa con đến học ngày một nhiều, nay mở rộng ra 5 ấp, số học sinh tham gia gần 200 em/đợt.

Việc dạy bơi chủ yếu tập trung vào 3 tháng hè và chuẩn bị tâm thế cho các em đi học an toàn trong mùa lũ. Mỗi buổi bơi diễn ra 1,5 giờ mỗi ngày và khóa học kéo dài trong 10 -15 ngày. Địa điểm học là những kênh, sông trên địa bàn 5 ấp. Trước mỗi mùa bơi, bà Thia đem lưới lại cắm và cột dưới sông thành “hồ bơi”, bất chấp những ngày lạnh buốt. Mỗi chiếc “hồ bơi” có chiều ngang 4m, dài 8m, cao 2m. Hàng ngày, bà phải chạy xe gắn máy hàng cây số từ điểm nay qua điểm khác để dạy bơi cho học trò. Tính đến nay 15 năm, số học trò được bà Thia dạy bơi miễn phí trên 2.000 em.
Tự nguyện tham gia công việc phụ nữ ở ấp bà Thia nhận được phụ cấp 200 ngàn đồng/tháng. Nguồn sống chỉ bấy nhiêu nên hàng ngày bà Thia đành ra đại lý lãnh 70 -100 tờ vé số bán. Đối với những tháng có hạt sen, hạt điều bà đều nhận về làm kiếm thêm thu nhập.

Nghề trồng lác bên dòng Cổ Chiên – Lê Quốc Việt

Nghề trồng lác gắn bó với người dân miệt cù lao sông nước từ bao đời nay. Từ lúc gà gáy, những phụ nữ đã tranh thủ đội đèn ra đồng làm việc để cho công đoạn phơi sẽ kịp nắng. Công việc tuy có cực khổ nhưng vẫn không bằng nỗi lo hàng ngày họ phải chịu tiếp xúc với nguồn nước ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng và mang theo nhiều chất độc hại.

Thu hoạch hoa màu mùa nước nổi – Huỳnh Phạm Anh Dũng

Hàng năm vào khoảng tháng 9, tháng 10 – khi nước nổi tràn về ngập kín những cánh đồng trước còn trồng lúa thì cũng là mùa các loài hoa nước như sen, súng… phát triển rộ. Khi không còn ra đồng gheo cấy nữa, những người phụ nữ vùng Tân Lập, Long An đã chuyển sang đi thu hái những loại hoa vùng ngập nước mang về cải thiện bữa ăn gia đình, hay chủ yếu là mang ra chợ bán lấy tiền mua thứ cần thiết khác.

Làng nghề truyền thống bên dòng kênh Thầy Cai – Nguyễn Quốc Thái

Dòng Cửu Long đỏ nặng phù sa, đổ về hạ lưu bằng hai nhánh sông Tiền, sông Hậu, hàng năm mang về cho bình nguyên Nam Bộ hàng triệu mét khối phù sa. Không chỉ bồi đắp cho những cánh đồng lúa bạt ngàn, những miệt vườn bốn mùa hoa trái, những hạt phù sa đỏ ối tụ lại Vĩnh Long còn góp phần hình thành ở đây những mỏ sét nguyên sinh quý giá.

Mưu sinh – Ngô Công Hoàng

Có những người sống xả rác bừa bộn, lại có những đứa trẻ ngày ngày phải mưu sinh bằng nghề lụm ve chai.

Ba cây chụm lại – Đỗ Trọng Danh

Sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn gắn liền với cuộc sống người dân nơi đây, sông cung cấp nguồn thủy sản, sông là đường giao thông chính giúp người dân đi lại kinh thương mua bán. Tuy nhiên, thời gian gần đây do biến đổi khí hậu và những yếu tố tác động khác từ con người, dòng sông giờ đã khác Nước về ít hơn, ô nhiễm nhiều hơn đồng nghĩa với việc nguồn thủy sản dần cạn kiệt.
Giờ đây, người dân đã không thể dựa vào nguồn thủy sản như trước họ đã dần thay đổi công việc, với công việc chính là đánh bắt thủy sản trước đây giờ đã chuyển nhiều sang việc mua bán nhỏ dọc trên những tuyến sông chính nơi thường xuyên qua lại của khách thập phương.

Trong ảnh là cảnh ba chiếc ghe với ba người phụ nữ (người bán nước – bánh mì, người bán giá và người bán bánh cam), được đan chặt vào nhau đó chính là hình sự đoàn kết cùng nhau vượt qua thiên tai, gian khó, thăng trầm của cuộc sống. Cùng với hành động trao thức ăn cho nhau như nói lên tấm lòng, tình cảm, sự sẻ chia… Những hình ảnh cảm động rất nhân văn của người dân miền Tây mang đậm nghĩa tình!

Dòng sông quê mẹ – Nguyễn Văn Thạnh

Như mọi ngày cứ mỗi sáng sớm, trên dòng sông chợ nổi Cần Thơ, bà Tám chèo chiếc thuyền con chậm rãi với tuổi già gắn trên vai. Tuy nhọc nhằn nhưng bà vẫn vui tươi khi nghĩ đến đàn cháu đang chờ bà về với những gói quà trên tay, nên bà tranh thủ cho kịp phiên chợ sớm. Mặt trời vừa ló rạng, bình minh cho ngày mới, bà tranh thủ hấp xửng bánh bao cho mau nóng, để mọi người trên con sông trong phiên chợ buổi sáng lót lòng. Bao nhiêu năm gắn bó với dòng sông, dẫu cho cuộc sống với nhiều thay đổi, tuổi tuy đã già, đầu bạc, lưng cong, nhưng bà vẫn luôn có mặt với dòng sông. Vẫn mỗi sáng khua tay chèo trên con thuyền bé nhỏ khi bình minh vừa đến, vẫn nồi bánh bao đó, vẫn con thuyền nhỏ bé, vẫn chiếc bánh bao đó, trao tận tay cho mọi người lót dạ buổi sáng mai. Với nụ cười và niềm vui khi trở về không còn cái bánh bao nào còn sót lại.

Mùa cá chốt trên kênh Maspéro – Cao Thành Long

Giữa tháng 5, mưa lai rai… nước trên kênh Maspéro màu đất phù sa thay dần “nước đen, nước xanh” của mùa khô. Đây cũng là “mùa chài cá chốt” của vợ chồng chị Hương nhà ở đầu cầu Kênh Sáng. Cuộc trò chuyện giữa người đi dọc bờ kênh và người trên ghe đã cho tôi nhiều điều thú vị (…).

Thăm mạ – Trần Thanh Thông

Đây là thời kỳ sau khi hạt giống lúa được gieo xuống đất, và khi cây lúa non phát triển thành cây con, người dân miền Tây gọi cho cái tên rất dễ thương đó là cây mạ. Thường nhiều lý do nên sẽ phát triển không đều, nhiều chỗ thưa, chỗ dày. Vì thế phải thăm và nhổ những chỗ dày, bù vào chỗ thưa để cây lớn lên đồng đều và phát triển đủ dinh dưỡng.

Thu hoạch cỏ bàng – Lò Văn Hợp

Cỏ bàng là loại cây thân nước, trồng trên ruộng có mực nước thấp nhất 20cm. Khi cây đến độ thu hoạch cắt gần gốc dài khoảng 1m đến 1,5m tùy vùng đất. Cỏ bàng được phơi khô, kéo sợi dùng đan các giỏ, khay xuất khẩu.

Đồng vợ đồng chồng – Đặng Nhất Linh

Ở các khu vực nông thôn trên cả nước Việt Nam nói chung và khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, hiện nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng. Một số nơi ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Bên cạnh đó, việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khoẻ của con người. Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỉ lệ người mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm nước như viêm da, tiêu hoá, tiêu chảy và nguy cơ ung thư ngày càng cao. Nhiều nơi nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm, nguồn nước sạch từ các nhà máy nước chưa được dẫn tới khu vực người dân sinh sống để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày. Một số hộ dân có điều kiện thì xây các hồ lớn để chứa nước sạch, các hộ dân không đủ điều kiện thì sử dụng các thiết bị nhỏ hơn để chứa nước sạch như thùng phuy inox, thùng phuy nhựa … và một số nơi sử dụng các lu sành, lu kiệu với giá thành rẻ hơn để chứa nước.

Từ xưa đến nay không ai có thể phủ nhận được vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Nếu gia đình được coi là “tế bào của xã hội” thì người phụ nữ được coi là “hạt nhân” của tế bào này. Bên cạnh vai trò làm vợ, làm mẹ, phụ nữ ngày nay là hậu phương vững chắc, động viên, giúp đỡ chồng con vượt qua mọi khó khăn, áp lực trong cuộc sống, sát cánh bên chồng trong công việc làm ăn kinh tế gia đình. Người phụ nữ trong ảnh đã cùng với chồng lên tận Bình Dương, mua các lu kiệu về chất lên ghe đem bán dọc theo các tỉnh miền tây. Để giảm chi phí mà không phải tăng giá thành sản phẩm, họ không mướn thêm nhân công mà hai vợ chồng tự vận chuyển các lu kiệu xuống ghe, sắp xếp ngay ngắn rồi chở đi bán cho người dân vùng nông thôn các tỉnh miền tây.

Liên quan đến bài viết

Bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *