Nếu Việt Nam không thể cấm việc xây dựng thủy điện ở Lào, thì nên chủ động tham gia yêu cầu họ từ khâu thiết kế đến quy trình vận hành…
Sau bài “ĐBSCL sẽ suy thoái và tan rã nếu xây dựng đập thủy điện Luang Prabang” đăng trên Thanh Niên về nhận định của Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) trước thông tin Lào đang rục rịch triển khai dự án thủy điện Luang Prabang, Báo Thanh Niên đã nhận được một góc nhìn khác của TS Tô Vân Trường, chuyên gia về môi trường liên quan đến vấn đề này.
Chọn cái ít dở nhất trong những cái dở
Trong các nghiên cứu của phía quốc tế như ICEM, MRC, DHI và của Việt Nam đều có chung nhận định các tác động tiêu cực của chuỗi đập thủy điện trên sông Mê Kông lên hạ lưu châu thổ về dòng chảy, hệ sinh thái, phù sa, nguồn thủy sản. Nhiều nhà khoa học còn quan tâm đến tác động tới hạ lưu ĐBSCL là tác động tích lũy, thủy điện càng lớn thì tác động của thủy điện trên dòng chính Mê Kông càng nhiều, đặc biệt khi Trung Quốc không chỉ dùng nước cho thủy điện mà sẽ chuyển nước cho các nhu cầu ngoài lưu vực.
Đập thủy điện chặn lại phù sa, cát là một trong những nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL
Chúng ta lo lắng hệ thống thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông phát triển vượt quá sức chịu đựng của hệ thống sinh thái sông ngòi là rất có trách nhiệm. Song lo đến mức thái quá cho rằng “ĐBSCL sẽ suy thoái và tan rã nếu xây dựng đập thủy điện Luang Prabang” và nội dung bài báo có những ngôn từ căng như dây đàn làm nhiều bạn đọc hoang mang, sợ hãi.
Tôi từng tham gia đoàn công tác của Việt Nam và chuyên gia quốc tế đi khảo sát đánh giá hệ thống công trình thủy điện trên sông Mê Kông kể cả dự án phá đá cho xà lan 300 tấn giao thông thủy của 4 nước thượng nguồn. Trong hội thảo cũng như khi làm việc với chuyên gia kể cả của Trung Quốc, tôi cũng là một trong những người phản đối việc xây đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông, còn trên các dòng nhánh thì tùy trường hợp mà đánh giá.
Thực tế trong các năm qua, lãnh đạo Chính phủ và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã nhiều lần công khai kiến nghị chính thức với Chính phủ Lào là không nên hoặc hoãn xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.
Câu hỏi được đặt ra là chúng ta có thể cấm, không cho Lào khai thác tiềm năng thủy điện trên sông Mê Kông, trong khi Việt Nam cũng đã xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Sesan-Srepok (thượng lưu sông Mê Kông của Campuchia) và theo Hiệp định MRC các thành viên cũng không có quyền phủ quyết. Chúng ta chỉ có thể đòi hỏi Lào và các nước thượng lưu giải quyết những hậu quả xấu của các công trình thượng lưu và đảm bảo tính bền vững của phát triển dòng sông chung. Ngoài ra, xin lưu ý về bài toán “đánh đổi” cần chọn cái dở ít nhất trong những cái dở vì Trung Quốc sẵn sàng nhảy vào đầu tư và chi phối các hoạt động của thủy điện ở Lào.
Chủ động tham gia từ khâu thiết kế
Nếu Việt Nam không thể cấm việc xây dựng thủy điện ở Lào, thì nên chủ động tham gia yêu cầu họ từ khâu thiết kế đến quy trình vận hành đảm bảo việc nghiên cứu các chính sách cần phải thiết lập và các cơ chế giám sát mà qua đó chúng ta đòi hỏi việc xem xét dự án Luang Prabang là một phần của tổng thể hệ thống Mê Kông cho các yếu tố sau:
1. Hệ sinh thái thủy sản gồm cả thượng và hạ lưu Luang Prabang;
2. Việc suy giảm trầm tích và vai trò của Luang Prabang trong tổng thể;
3. Việc duy trì dòng chảy tối thiểu và hệ thống vận hành các hồ chứa;
4. Việc dự báo dòng chảy chống thiên tai: lũ, kiệt và xâm nhập mặn cũng như giao thông thủy.
Những người am hiểu chuyên môn đều biết tác động hiện tại là tác động lớn nhất từ thủy điện Trung Quốc. Tương lai gần, khi xong Xayabury thì diện tích lưu vực đến Xayaburi là 277.500 km2, chiếm 34% diện tích lưu vực Mê Kông. Đặc biệt phần hứng nước trực tiếp của hồ này khi đó bằng từ chân đập Jinghong đến Xayaburi tương đương 115.200 km2, tương đương 5% diện tích lưu vực. Như vậy tác động trực tiếp của hồ này chủ yếu từ nguồn phù sa và nước trên 5% diện tích lưu vực trực tiếp này, phần tác động gia tăng lên phần ảnh hưởng đã có từ sau tác động của chuỗi thủy điện Trung Quốc.
Với lập luận tương tự, khi chuỗi 11 hồ hoàn thành thì tác động trực tiếp của hồ Luang Prabang trên phần diện tích hứng nước trực tiếp của hồ này là 72.000 km2, tương đương 0,9% diện tích lưu vực, cộng thêm tác động gia tăng từ phần xả ra của hồ PakBeng thượng lưu hồ này…
Điều mà chúng ta quan ngại nhất là (1) Thiếu chia sẻ thông tin vận hành từ các nước thượng nguồn và đặc biệt việc xây hồ Sambor và Stung Treng (nếu có); (2) Trách nhiệm trong việc đóng góp giảm thiểu những hậu quả xấu của các đập thượng lưu đã được xây dựng trong quá khứ và dự kiến trong tương lai đối với phía hạ lưu cũng như việc bảo đảm sự phát triển (kinh tế, xã hội và môi trường) bền vững của toàn lưu vực; và (3) Chi tiết thiết kế công trình cũng như vận hành hệ thống nhà máy thủy điện phải được thông báo và cam kết dựa trên kinh nghiệm của thế giới và Mê Kông. Vì chuỗi hồ thủy điện ở thượng nguồn sớm muộn họ cũng xây, nên cần chủ động các giải pháp ứng phó cho kịp thời.
Bảng tổng hợp đặc điểm thiết kế của các thủy điện dòng chính
Chúng ta đều biết khi con người tác động vào tự nhiên bao giờ cũng đem lại hai mặt lợi và hại, không bao giờ được tất cả. Các nước ven sông cùng có trách nhiệm đấu tranh, thuyết phục chia sẻ quyền lợi về tài nguyên nước, phù sa và thủy sản để cùng nhau phát triển theo nguyên tắc quản lý lưu vực sông sao cho cái lợi là lớn nhất và cái hại ít nhất.
Khi trên sông Mê Kông có nhiều thủy điện, thì dòng sông tất yếu cần một quy chế vận hành đồng bộ. Hệ thống đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông là vấn đề khó khăn của ta khi nằm vào vị trí cuối cùng của hạ lưu, chỉ có thể giải quyết bằng “phần mềm” quyền lực Nhà nước, nghĩa là phải thông qua con đường ngoại giao, hợp tác quốc tế, chia sẻ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm… trong khai thác và bảo vệ lưu vực sông dựa trên nền tảng khoa học, giới hạn chịu đựng của hệ thống sinh thái sông ngòi và khai thác tổng hợp lưu vực sông.
Tô Văn Trường
Theo Báo Thanh niên