Gần một tuần sau khi suối Trâm bị đổ trộm dầu thải, dòng nước đen vẫn nồng nặc mùi khét, chảy về hồ chứa nhà máy nước Sông Đà.
Dòng suối Trâm bắt nguồn từ xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn là nguồn nước ngọt cung cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà. Ở thượng nguồn, nước trong vắt, không mùi, nhìn rõ đá cuội dưới đáy.
Cạnh dòng suối có con đường độc đạo phủ bùn đất, một bên bám vào khe núi, một bên nhìn xuống vực suối. Cách đây gần một tuần, người dân phát hiện xe tải đi vào khe núi này đổ trộm dầu thải.
Ngày 15/10, đoạn khe núi bị đổ trộm dầu thải được phủ cát dày hơn một mét. Dù vậy, lớp cát không át được mùi khét của dầu đang bốc lên nồng nặc.
Dầu từ khe núi chảy xuống suối Trâm. Sau một tuần, dù trải qua vài trận mưa, dòng nước suối vẫn đen ngòm. Dầu tạo thành một lớp bùn quánh, đen đặc, bám vào cỏ cây ven suối. Dọc đoạn suối khoảng 2 km từ khe núi huyện Kỳ Sơn chảy về hồ chứa của nhà máy nước sạch ở huyện Kim Bôi có hàng trăm đoạn dầu bám đen như thế này. Dòng nước suối bị ô nhiễm chảy về hồ Đầm Bài – nơi chứa nước ngọt cung cấp cho nhà máy nước Sông Đà.
Ngay sát nhà máy nước sông Đà, cống thoát nước thải từ nhà máy đang chảy ra màu nước đen, mùi hôi, khét.
“Đây là nước thải rửa của nhà máy, thường được bơm vào sáng sớm và chiều. Nước bẩn này chảy ra con suối dài khoảng 800 m rồi đổ lại vào hồ Đồng Bãi. Cách đây vài ngày nước đen quánh phủ kín mặt suối, giờ đã giảm màu và mùi rất nhiều”, ông Nguyễn Minh Thuận, thôn Vật Lại, Kim Bôi, nhà cạnh trạm bơm Sông Đà nói.
Để khắc phục hậu quả, Công ty nước sạch Sông Đà tiếp tục huy động 3 máy xúc và 30 nhân công để xúc bùn, đất ở các đoạn suối có dầu, đóng vào bao tải đưa lên xe chuyển ra nơi tập kết chất thải. Đại tá Trương Quang Hải – Phó giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, ngày 14/10, một tổ cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã đến hiện trường thu thập chứng cứ. Trước đó, cán bộ điều tra của phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội cũng phối hợp với các cơ quan liên quan lấy mẫu nước xét nghiệm tìm nguyên nhân, tuy nhiên kết quả chưa được công bố.