Hà Nội, ngày 2 tháng 8 năm 2017
Kính gửi:
- Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nước CHXHCN Việt Nam
- Ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ
- Ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ
- Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ
- Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ
- Ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ
- Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường
- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT
- Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng
- Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai
Chúng tôi gồm những tổ chức quan tâm và bảo vệ các lưu vực sông và tài nguyên nước vì sự phát triển bền vững môi trường tại Việt Nam, mong muốn gửi tới Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo của các bộ và chủ tịch tỉnh Đồng Nai quan ngại sâu sắc về “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” (dưới đây gọi tắt là Dự án sông Đồng Nai) mà Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai quyết định theo thẩm quyền, trên cơ sở đánh giá tác động của dự án, cùng các quy định pháp luật hiện hành vào tháng 7 năm 2017.
Dự án sông Đồng Nai là một dự án từng bị công luận và các nhà khoa học đánh giá sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, phát triển kinh tế- xã hội tại lưu vực sông Đồng Nai, dẫn tới việc Chính phủ ra quyết định dừng dự án này vào năm 2015. Nay Chính phủ tiếp tục đồng ý cho Chủ tịch tỉnh Đồng Nai tự quyết định việc xây dựng Dự án sông Đồng Nai, chúng tôi e ngại rằng điều này sẽ tạo tiền lệ cho việc gia tăng vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ, dòng chảy của các con sông của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi xin trân trọng tiếp tục gửi tới Thủ tướng, Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị dừng dự án với những lý do sau:
- Việc xây dựng Dự án sông Đồng Nai cần dựa trên quan điểm tiếp cận hệ thống, tổng thể về phát triển bền vững. Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ 3 tại Việt Nam và đây là con sông liên tỉnh chảy qua 10 tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh. Sông Đồng Nai là nguồn sống quan trọng của một trong những vùng kinh tế trọng điểm với dân số lớn nhất trong cả nước. Tuy vậy, tài nguyên nước sông Đồng Nai được đánh giá là rất hạn chế. Tài nguyên nước bình quân đầu người thấp nhất Việt Nam và là 1 trong 4 lưu vực sông của Việt Nam có mức độ căng thẳng về nước lớn nhất trong mùa khô. Sông Đồng Nai hiện đang chịu nhiều áp lực do phát triển, trong đó có việc xây dựng hàng loạt các thủy điện trên dòng chính, dòng nhánh, ô nhiễm nguồn nước do công nghiệp và đô thị ven sông. Về phương diện quản lý lưu vực sông và quản trị tài nguyên nước, bất cứ hoạt động nào can thiệp liên quan đến dòng chính đều tác động toàn diện đến toàn bộ lưu vực.
- Việc lấn sông đã vi phạm các Điều sau thuộc Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Phòng chống thiên tai (2013) và Luật Giao thông Đường thủy Nội địa (2014)[1]. Trong đó, Luật Tài nguyên Nước nêu tại Điều 9, “Các hành vi bị nghiêm cấm: Mục 5. Khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; khai thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa”; Luật Bảo vệ Môi trường Số 55/2014/QH13 , Điều 56: Bảo vệ môi trường nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch: Mục 3 nêu “Tổ chức, cá nhân không được lấn chiếm, xây dựng trái phép công trình, nhà ở trên mặt nước hoặc trên bờ tiếp giáp mặt nước hồ, ao, kênh, mương, rạch; hạn chế tối đa việc san lấp hồ, ao trong đô thị, khu dân cư.”; Luật Giao thông Đường thủy Nội địa (2014) điều 8 nêu rõ “Đổ đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác, khai thác trái phép khoáng sản trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng…”. Đây cũng là lỗ hổng lớn nhất về pháp lý mà hồ sơ ĐTM của chủ đầu tư về dự án sông Đồng Nai chưa đáp ứng được.
- Tác động của dự án tới đời sống của những người dân, đặc biệt là những người mưu sinh nhờ dòng sông chưa được được đánh giá đầy đủ. Thông tin từ Dự án sông Đồng Nai cho thấy thực chất đây không phải là một dự án chỉnh trị sông ngòi, cải tạo cảnh quan của con sông mà là dự án lấn chiếm sông, kiếm lợi từ nguồn tài nguyên và không gian chung của cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực này. Diện tích 7,2 ha trong tổng số 8.4 ha của dự án là do lấn lòng sông Đồng Nai để xây dựng 2 chung cư 25 tầng, 34 biệt thự liền kề và một khu thương mại. Việc chỉnh trang đô thị, chống xói lở và tạo không gian công cộng và thân thiện cho người dân sinh sống tại đó nhằm thu hút khách du lịch, nhà đầu tư là điều mà các mô hình đô thị thông minh trên thế giới hiện nay đang theo đuổi. Tuy nhiên, khai thác theo cách để có lợi cho một nhóm nhỏ và một nhóm lớn phải hy sinh không thể là một lựa chọn tốt.
- Hiện nay còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nước là tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống. Sông suối cần được xem là mạch máu. Dòng chảy sông cần được duy trì một cách tự nhiên như vốn có được quy định bởi tiến trình lịch sử mạng thoát nước tự nhiên, cũng như hệ sinh thái đặc thù riêng. Sông suối và nguồn nước bị tác động theo chiều hướng xấu chắc chắn sẽ để lại hậu quả lớn cho phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Nhưng các báo cáo ĐTM của dự án chưa làm rõ một số vấn đề quan trọng nhất về đặc trưng dòng chảy sông Đồng Nai. Trong khi đó, nằm ở khu vực phía Nam, sông Đồng Nai sẽ phải đối mặt với những diễn biến khí hậu bất thường xẩy ra trong tương lai.
Quan ngại với những tác động đã diễn ra và những tác động tiềm tàng và có thể làm tiền lệ xấu cho các hoạt động lấn chiếm sông hồ khác, chúng tôi đề nghị Chính phủ và các các tỉnh dọc theo lưu vực sông Đồng Nai dừng hẳn việc thực hiện dự án theo như đề nghị của nhà đầu tư; chỉ xem xét thực hiện dự án theo hướng chỉnh trị bờ sông – cảnh quan đô thị trong giới hạn bờ sông Đồng Nai hiện hữu trở vào trong. Đồng thời sớm giải tỏa những hạng mục tồn lưu của dự án này để ngăn ngừa những tác động tích lũy tiêu cực về môi trường, sinh thái từ dự án còn dở dang này gây ra trong tương lai.
Kính chúc Thủ tướng và Quý vị sức khỏe.
Địa chỉ liên hệ của các tổ chức tham gia kiến nghị: Văn phòng điều phối Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, phòng 1411, tầng 14, tòa nhà Thăng Long Tower, 99 Mạc Thái Tổ, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 024 3773 0828. Email: rivervietnam@gmail.com. Website: http://vrn.org.vn/vi/
Danh sách các tổ chức tham gia kiến nghị:
- Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam. Website: http://vrn.org.vn/vi/
- Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA). Website: https://www.vsea.info/
- Trung tâm nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững (LPSD). l-psd.org
[1] Thông cáo báo chí của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam năm 2015 tại http://vrn.org.vn/thong_cao_bao_chi_ve_du_an_lap_song_dong_nai_ngay_04_01_2016/
Tôi nhất trí cao với ba luận điểm mà các chuyên gia và tổ chức đã đưa ra. Đồng thời, tôi ủng hộ việc dừng dự án Sông Đồng Nai, chỉ thực hiện việc chỉnh trị cải tạo bờ sông – cảnh quan tại những vị trí đã được đánh giá tác động là không ảnh hưởng xấu tới môi trường và sinh thái. Thiết nghĩ, đây là việc vô cùng cấp bách vì tương lai của đất nước nói chung và người dân Đồng Nai nói riêng. Cảm ơn các tổ chức đã lên tiếng và hành động vì sông Đồng Nai.