Một cuộc đua xây dựng đập đang đe doạ đến sông Mê Kông

Sông Mê Kông có thể xem như là huyết mạch đối với rất nhiều cộng đồng ở Đông Nam Á. Nhưng đợt hạn hán xảy ra vào năm 2019, cùng với đó là hàng chục nhà máy thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông, đang góp phần hạ thấp mực nước sông, cũng như huỷ hoại hệ sinh thái vốn dĩ đã dễ bị tổn thương.

Sông Mê Kông được coi như một tuyến đường thuỷ vô cùng quan trọng đối với 6 quốc gia vùng Đông Nam Á, lại đang được ghi nhận mực nước sông xuống thấp chưa từng có vào mùa hè này.

Uỷ ban sông Mê Kông (MRC), cơ quan giám sát con sông dài nhất Đông Nam Á này, đã báo cáo vào giữa tháng 7 rằng mực nước trong tháng trước đã giảm xuống “mức thấp nhất từng được ghi nhận”.

Sông Mê Kông xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc và chảy ra Biển Đông thông qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Khoảng 60 triệu người dân tại những vùng này sống phụ thuộc vào con sông này để đánh cá, canh tác và lưu chuyển.

Tuy nhiên, do lượng mưa thấp bất thường, cùng với công việc bảo trì tại nhà máy Thuỷ điện Cảnh Hồng ở Trung Quốc và việc vận hành thử nghiệm đập Xayaburi tại Lào, đây đều được xác định là những nguyên nhân gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng mực nước sông Mê Kông.

Và dẫu cho lượng mưa gần đây đã có dấu hiệu tăng lên, làm giảm bớt tình hình hạn hán và tăng dần mức nước, tuy nhiên cuộc khủng hoảng nước vẫn còn kéo dài.

Vào tháng 6 năm 2019, lượng mưa trung bình ở tỉnh Chiang Saen của Thái Lan chỉ bằng khoảng 2/3 tổng lượng mưa hàng tháng trong tháng 6 từ năm 2006 đến 2018. Các báo cáo ghi nhận rằng sự thiếu hụt cấp tính của mưa là do El Nino – một hiện tượng khí tượng ở Thái Bình Dương, gây ảnh hưởng đến khí hậu trên toàn lưu vực Thái Bình Dương.

Trung Quốc được xem như khởi nguồn của dòng chảy

Đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam – một tỉnh phía tây nam Trung Quốc đã giữ nước lại trong vỏng hai tuần trong tháng Bảy cũng khiến tình hình càng trở nên trầm trọng. Các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam và Campuchia đang lâm vào tình cảnh phó mặc cho những con đập thượng nguồn này định đoạt.

“Các nước ở vùng hạ nguồn không cần phải yêu cầu Trung Quốc giải phóng nguồn nước để giảm đi tình trạng hạn hán”, Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson có trụ sở ở Washington, nói với DW.

Eyler cũng nói thêm rằng các Nhà vận hành đập Cảnh Hồng nên “hành động theo hướng đặt lợi ích của các nước ở hạ nguồn lên trên lợi ích cá nhân để sản xuất thủy điện.”

Nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất sử dụng nước sông để tạo ra điện. Vào ngày 15 tháng 7, Lào đã bắt đầu thử nghiệm đập thủy điện Xayaburi mới được xây dựng, dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 10.

Cuộc chạy thử này cũng đang bị chỉ trích là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc mực nước xuống thấp kỷ lục ở sông Mê Kông.

Thái Lan, nơi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thập kỷ, đã yêu cầu Lào tạm dừng các thử nghiệm đập vào tháng trước.

Trớ trêu thay, đập Xayaburi được xây dựng bởi một công ty Thái Lan, với mục đích tạo ra tới 1.285 megawatt điện nhằm phục vụ Cơ quan Phát điện của nhà nước Thái Lan (EGAT).

Theo những báo cáo tại Thái Lan, các nhà vận hành đập chối bỏ những cáo buộc gây ra tình trạng thiếu nước và nhấn mạnh rằng họ cũng đang phải chịu những biến động về nước.

Nguồn năng lượng của châu Á

Tuy nhiên, số lượng những dự án xây dựng đập ở thượng nguồn ngày càng tăng lên, điều này sẽ chỉ tiếp tục gây ra tác động xấu đến các cộng đồng đang sống phụ thuộc vào dòng sông.

Với nhiệm vụ trở thành “nguồn năng lượng của châu Á”, Lào – đất nước không giáp biển đã gấp rút xây dựng các con đập trong thập kỷ qua.

Theo nhóm vận động môi trường International Rivers, dự định này của Lào bao gồm 72 đập cỡ lớn mới, 12 trong số đó đang được xây dựng và hơn 20 đang được lên kế hoạch triển khai.

Trong khi đó Trung Quốc đang vận hành 11 đập và có dự định xây thêm 8 đập ở đoạn thượng lưu sông Mê Kông, Eyler nói.

Kể từ khi Trung Quốc xây dựng con đập đầu tiên tại tỉnh Vân Nam cách đây 20 năm, “người dân sinh sống dọc biên giới Thái Lan – Lào đã chứng kiến những biến động bất thường ở sông Mê Kông”, Pianyh Deetes của International Rivers cho biết. Những thay đổi như vậy chưa từng được thấy trước đây cho đến khi công cuộc xây dựng đập này đang điên cuồng diễn ra.

Những tác động đến môi trường

Các nhà nghiên cứu nhận định rằng nhịp điệu tự nhiên của sông Mê Kông đã bị phá vỡ đến mức các mô hình theo mùa không còn có thể dự đoán được. Trong 20 năm qua, mực nước đã trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước thoát ra từ các đập nước của Trung Quốc.

Theo Eyler, việc xây dựng đập trên sông Mê Kông được thực hiện trên cơ sở của từng dự án, có nghĩa là “Không thể dự đoán trước được những tác động cuối cùng của quá trình phát triển không được kiểm soát này”.

Ông cũng nói thêm rằng “Những kế hoạch không được khuyến khích cho việc phát triển cơ sở hạ tầng” này không chỉ ảnh hưởng đến hơn 60 triệu người sông trong lưu vực sống mà còn góp phần rất lớn vào sự suy thoái đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của sông Mê Kông.

Các con đập làm gián đoạn quá trình di cư của các loài cá, ngăn chúng di chuyển đến khu vực sinh sản ở thượng nguồn và cản trở chu kỳ sống tự nhiên của chúng. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng cá ở sông Mê Kông, nơi có ngành ngư nghiệp nội địa lớn nhất thế giới.

Năm ngoái, MRC đã dự đoán rằng trữ lượng cá ở sông Mê Kông sẽ giảm tới 40% vào năm 2020 và lên tới 80% vào năm 2040 do các đập thuỷ điện trong khu vực.

Có thể thấy với ngày một nhiều hơn những kế hoạch xây dựng đập thuỷ điện, những người dân sống ở vùng hạ lưu có thể phải đối mặt với những hậu quả tàn khốc hơn nữa trong khi những người ở thượng nguồn lại chỉ nghĩ đến việc củng cố vị thế của họ.

“Sự chung sống trong hoà bình của những người cùng sử dụng lưu vực sông Mê Kông chỉ có thể đạt được thông qua sự tôn trọng, lắng nghe lẫn nhau và có sự hợp tác một cách thành thật giữa chính phủ và người dân ven sống”, một nhóm vận động thuộc Mạng lưới dân cư Thái Lan ở 8 tỉnh Mê Kông đã nói như vậy với DW trong một tuyên bố.

 Emmy Sasipornkarn

Theo Deutsche Welle 

Ngày 16.08.2019

Dịch bởi VRN

Liên quan đến bài viết

Bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *