Mưa lớn, các thủy điện xả lũ

Các trận áp thấp nhiệt đới liên tục đe dọa khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Bộ gây ra những trận mưa lớn kéo dài, bước đầu gây ra những thiệt hại dù các cơ quan chức năng đã tích cực cùng dân tiến hành công tác phòng tránh.

Chiều 3-9, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã có lệnh yêu cầu chủ hồ thủy điện A Lưới (Thừa Thiên Huế) điều tiết nước để đảm bảo an toàn hồ đập.

Nhiều xã bị nước lũ chia cắt

Từ 16h chiều, chủ hồ này đã xả nước với lưu lượng điều tiết tăng dần từ 20m3/s đến 400m3/s về vùng hạ du huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông của Lào. Công ty CP thủy điện Miền Trung (chủ đầu tư thủy điện A Lưới) đã thông báo cho các địa phương ở huyện A Lưới và tỉnh Sê Kông trước khi xả nước.

Hiện các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang vận hành an toàn. Mực nước các hồ thủy lợi ở mức thấp, mực nước chết và sẵn sàng đón lũ.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết trong ngày 3-9, một số hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh đã xả nước để bảo vệ an toàn hồ. Trong đó, hồ Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai) phải xả hai cửa tràn với lưu lượng xả 62,1m3/s; hồ Sông Sào (huyện Nghĩa Đàn) xả một cửa tràn với lưu lượng xả 25m3/s.

Ngoài ra, để tránh tình trạng ngập lụt nặng, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu và các ao hồ nuôi trồng thủy sản, các công ty thủy lợi trên địa bàn đã phối hợp với các địa phương vận hành các trạm bơm và cống tiêu nước.

Tại Hà Tĩnh – một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của mưa lũ đợt này, thủy điện Hố Hô cũng được yêu cầu xả nước.

Thủy điện Hố Hô xả lũ, có nguy cơ gây ngập lụt ở hạ du huyện Hương Khê 

Ngày 3-9, ông Lê Quang Vinh – chánh văn phòng ứng phó thiên tai huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) – cho biết hai ngày vừa qua ở huyện này xảy ra mưa lớn 200-350mm, khiến nước lũ ở sông Ngàn Sâu lên nhanh, nhiều xã bị nước lũ chia cắt.

Do lưu lượng nước về hồ lên đến 1.280m3/s nên nhà máy phải xả lũ với lưu lượng 1.460m3/s. Do đó nhiều xã ở hạ du huyện Hương Khê ngập nặng, nhiều tuyến đường liên xã chìm sâu trong nước lũ. Nếu mưa tiếp tục kéo dài, huyện Hương Khê sẽ xảy ra lũ lớn.

Mưa gây sạt lở đường miền núi

Ông Lê Hoàng Linh – phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam – cho biết trong mấy ngày qua do có mưa nên gây ra tình trạng sạt lở đất ở một số vị trí trên tuyến đường nối trung tâm huyện lên các xã vùng cao, biên giới giáp Lào. Có 2 điểm bị sạt lở, với điểm sạt lở nặng nhất tại tuyến đường qua khu vực thôn Achoong, xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang.

Sáng 3-9, khối lượng đất đá và cây xanh bị sạt lở từ taluy dương tràn xuống lòng đường, gây khó khăn cho việc đi lại. Chính quyền xã Ch’Ơm cho hay đã huy động lực lượng khẩn trương khắc phục thông tuyến tạm thời và khuyến cáo người dân không nên đi lại lúc trời mưa, đêm tối nhằm đề phòng sạt lở đất hoặc lũ quét có thể xảy ra, nguy hiểm tới tính mạng.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hiện 5 điểm sạt lở đường, sạt lở taluy âm, taluy dương, trong đó có vị trí sạt lở khoảng 1/3 mặt đường. Tuyến đường này qua huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) cũng bị sạt lở nhiều điểm, nghiêm trọng nhất là tại km37. Ông Phạm Văn Hùng – phó chủ tịch UBND huyện Đakrông – cho biết đến chiều cùng ngày đoạn đường này cơ bản đã thông tuyến.

Trong khi đó, ông Lê Văn Tuyến – chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng – cho biết mưa lớn ở đầu nguồn đã đẩy lùi nước mặn xâm nhập vào các sông, giúp Đà Nẵng cải thiện tình hình thiếu nước sinh hoạt.

Theo Báo Tuổi trẻ

Liên quan đến bài viết

Bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *