Đập thủy điện là những tác phẩm kỹ thuật lớn lao, không thể phá vỡ và trường tồn. Tuy nhiên, đập cũng có tuổi thọ, sau đó còn có chi phí môi trường, và đôi lúc, các đập có rất ít lợi ích sản xuất điện và điều hòa lũ. Đối với những con đập như vậy, tháo dỡ (phần sản xuất điện) và phá bỏ toàn bộ con đập là một lựa chọn đúng đắn. Lý giải việc phá dỡ đập là một giải pháp thay thế trong một số trường hợp, có những lý do sau:
Chi phí bảo trì. Các thiết bị thủy điện lắp đặt khi xây dựng đập sau nhiều năm có thể cần nâng cấp tốn kém, hoặc chính con đập cần phải sửa chữa. Các phương pháp can thiệp này thường có chi phí đắt đỏ, và phá dỡ đập có thể là giải pháp kinh tế nhất.
An toàn. Khi tuổi tác và hao mòn ảnh hưởng tới sự toàn vẹn về cấu trúc của con đập, phá dỡ là lựa chọn tối ưu cho sự an toàn của cư dân sinh sống tại hạ lưu.
Phù sa. Theo định nghĩa, một con đập làm giảm tốc độ nước tại thương lưu nơi hồ chứa được hình thành. Khi phù sa lưu chuyển trên sông đến hồ chứa, hầu hết phù sa sẽ lắng lại dưới đáy, và dồn lại thành một lớp dầy. Cuối cùng, khi toàn bộ hồ chứa bị lấp đầy phù sa thì nó ít còn có khả năng giữ nước. Lúc đó, chức năng điều hòa lũ và thủy điện của các con đập sẽ bị giảm đáng kể. Thêm vào đó, các hệ sinh thái sông đã bị thay đổi từ từ khi phù sa dồn lại ngày càng nhiều, và phục hồi quá trình này thường sẽ có giá trị về mặt sinh thái.
Đường đi cho cá. Rất nhiều dòng sông đóng vai trò là hành lang cho cá di cư. Được biết đến nhiều nhất là cá hồi, di chuyển từ đại dương tới nơi đẻ trứng ở thượng nguồn các lưu vực sông. Một số loài cá đang bị đe dọa và có các điều luật bảo vệ, và khi các con đập không thể cung cấp cầu thang cá hoặc các cấu trúc khác để cá vượt qua đập, thì việc phá bỏ con đập sẽ là một giải pháp. Các quan ngại không chỉ tập trung vào loài cá, mà toàn bộ hệ sinh thái thủy sinh có thể hưởng lợi từ việc phục hồi dòng chảy của con sông, cùng với nhiệt độ tự nhiên, dưỡng chất, và sự thay đổi mực nước.
Rủi ro môi trường của việc phá dỡ đập
Việc xử lý hàng tấn phù sa lắng đọng qua hàng thập kỉ không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Ở các điều kiện nhất định, khi một lượng phù sa khổng lồ được xả ra nhanh chóng có thể sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái tại hạ lưu, làm tắc nghẽn các dòng chảy của con sông, và gây ngập lụt. Các lợi ích sinh thái chỉ có được sau một thời gian dài. Phá bỏ một con đập cũng có thể làm lưu chuyển các chất ô nhiễm đã bị dồn lại sâu dưới hồ chứa. Phá bỏ đập là một quá trình kĩ thuật phức tạp, tốn kém phải được thực hiện cẩn thận. Các cơ quan và tổ chức kĩ thuật đã phát triển chuyên môn quý giá về phá hủy đập, trong khi các nhà khoa học đang thu thập dữ liệu sẽ hỗ trợ hướng dẫn các dự án phá dỡ và tháo bỏ trong tương lai.
Ảnh: Sông Elwha, bang Washington, tại địa điểm phá bỏ con đập.
Ví dụ về các dự án phá bỏ đập
Đập Condit cao 123 feet (khoảng 37m), chắn ngang dòng sông White Salmon ở bang Washington, đã bị tháo dỡ vào năm 2011, và hồ chứa của đập này đã được xả hết trong vòng một giờ. Hai con đập trên sông Elwha, cũng ở bang Washington, đã bị dỡ vào năm 2011 và 2012, và một số loài cá hồi đã có thể tiếp cận được với gần 70 dặm sông và suối. Lượng phù sa lớn ở con sông đang làm chậm quá trình phục hồi sinh thái, nhưng ước tính rằng một khi bờ sông đã ổn định khi cây cối mọc trở lại, thì vấn đề này sẽ giảm đi nhiều.
Trong một nỗ lực hợp tác quy mô lớn giữa các cơ quan và bên liên quan, dự án Phục hồi sông Penobscot ở Maine đã mở ra hàng trăm dặm sông cho cá di cư, bao gồm cả cá hồi Đại Tây Dương, cá vược sọc dưa, cá tầm Đại Tây Dương, cá trích và cá đối cầu vồng. Để làm được điều này, hai con đập đã bị dỡ bỏ, và đường đi cho cá đã được nâng cấp trên cơ sở những công trình còn lại.
Đập Newport số 11, trên sông Clyde ở Vermont, đã bị phá dỡ vào năm 1996. Việc di cư của cá hồi Đại Tây Dương trước đây bị chặn lại, từ nay đã được phục hồi, và câu cá giải trí cũng như bơi thuyền trên sông đã được nâng cấp.
Nguồn:
Sông ngòi ở Hoa Kỳ: Các câu chuyện thành công về việc dỡ bỏ đập.
Trung tâm Khoa học, Kinh tế và Môi trường Heinz. Dỡ bỏ đập: Khoa học và Ra quyết định.
Sự thật về việc phục hồi sông Penobscot. Dự án Phục hồi sông Penobscot.
Link: http://environment.about.com/od/biodiversityconservation/fl/Why-Are-We-Removing-Dams.htm?utm_campaign=list_environment&utm_content=20150316&utm_medium=email&utm_source=exp_nl