Lưu ý: Các tác phẩm được sắp xếp ngẫu nhiên, không theo thứ tự điểm số.
Tác phẩm: Mùa Cá Ra Sông – tác giả Nguyễn Dương Hải
ĐBSCL khi thời điểm nước tràn về, cũng là lúc thiên nhiên ban tặng cho những người dân nơi đây khá nhiều đặc sản. Trong đó, nghề đánh bắt cá Linh nơi đầu nguồn được ngư dân trông chờ nhất. Nhất là mùa cá ra sông.
Từng đàn cá Linh lúc này đã to hơn đầu ngón tay, đang theo những dòng nước từ đồng chảy ra các kênh rạch rồi ra sông lớn. Lúc này có thể xem như là mùa đánh bắt cá Linh sôi động nhất trên các con sông đầu nguồn, vì số lượng cá ra sông lúc này rất nhiều, muốn nhiều hơn cả lúc cả linh non mới vào đồng. Nhiều công cụ cũng được ngư dân sử dụng đánh bắt như; Ghe xúc vợt, xuồng chày; lưới thả, lưới giăng v.v. Người phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng công việc này, như hỗ trợ kéo lưới và xúc cá.
Tác phẩm: Sản phẩm xuất khẩu từ cây lục bình – tác giả Nguyễn Xuân Hãn
Cây lục bình phát triển nhanh trên các dòng sông ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Thân cây được phơi khô là nguồn vật liệu trong sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Giải quyết công việc cho hàng nghìn phụ nữ ở nông thôn và phát triển kinh tế gia đình thoát khỏi đói nghèo. Cây sống ở vùng nước ngọt, nếu xâm nhập mặn cây sẽ chết, ảnh hưởng đến nguồn vật liệu và đồng thời ảnh hưởng đến việc làm của phụ nữ nông thôn, và một số hệ lụy khác.
Tác phẩm: Ao Sen Sau Vườn – Tác giả Nguyễn Hoài Bảo
Ở các huyện của tỉnh Đồng Tháp, người dân chủ yếu canh tác cây lúa là chính, nhưng do một thời gian giá lúa không ổn định, chi phí sản xuất cao, nên một số bà con nông dân nơi đây đã chuyển đổi một số cây trồng. Trong đó cây sen cũng được đưa vào trồng nhiều trong những năm gần đây ở Đồng Tháp. Tỉnh Đồng Tháp đã được biết đến là xứ hoa sen, với câu “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”, Những loại sen được trồng bây giờ, thường là giống sen Đài Loan cao to, bông lớn, cho năng suất cao. Những đóa hoa sen rực rỡ sắc hồng, trông rất đẹp mắt.
Tác phẩm: Một ngày của chị bán bún riêu – Tác giả Nguyễn Văn Tuấn
Hằng ngày từ sáng sớm, chị Trương Thị Tùng bơi chiếc xuồng ba lá lênh đênh trên sông nước chợ nổi Phong Điền (TP Cần Thơ) bán bún riêu. Chị len lỏi nơi các ghe thuyền neo đậu để bán từng tô bún cho dân thương hồ, tiền lời ngoài trăm ngàn đồng đủ để gia đình sống qua ngày. Du khách tham quan chợ nổi cho biết “rất thú vị khi thưởng thức tô bún riêu nóng hổi bập bềnh trên sông, nét đặc trưng văn hóa chợ của vùng sông nước ĐBSCL”.
Tác phẩm: Công việc mùa nước – tác giả Nguyễn Hoài Bảo
Vùng đất nơi đầu nguồn sông Cửu Long. Mỗi khi mùa nước nổi về, là đem cả một lượng lớn phù sa và thủy sản về cho người nông dân nơi vùng lũ. Cuộc sống của những người dân đầu nguồn, đã gắn liền với nghề khai thác thủy sản. Phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác đánh bắt thủy sản như: Đặt dớn, đặt lợp, đặt lờ… Dòng nước là một tài nguyên vô giá, sẽ mang đến một khoản thu nhập không nhỏ cho người dân vào mùa nước nổi.
Tác phẩm: Hoa sen Đồng Tháp – tác giả Nguyễn Hoài Bảo
Những vùng đất trũng, thấp, không bằng phẳng thường ngập úng cục bộ vào mùa mưa, nên chi phí sản xuất vụ Hè Thu thường tăng cao, hiệu quả sản lượng lại thấp. Từ đó một số hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng chuyển sang trồng sen. Trong các năm gần đây, trồng sen cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho một số hộ nông dân. Người phụ nữ cũng tham gia nhiều, với những công việc như chăm sóc, thu hoạch sen và ngó sen.
Tác phẩm: Thăm lưới – Tác giả Hiếu Minh Vũ
Đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long là sông nước ,bà con nơi đây mưu sinh hàng ngày phụ thuộc dòng sông để đánh bắt thủy sản và nước để tưới tiêu. Nếu một mai dòng sông cạn kiệt và ô nhiễm thì thế hệ mai sau có còn được thấy những hình ảnh như thế này nữa hay không và cuộc sống của những ngư dân sẽ như thế nào?
Tác phẩm: Phụ nữ với dòng sông – tác giả Lê Hữu Trí
Nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng chừng 60km về hướng Tây, chợ nổi Ngã Năm ngày nay thuộc địa bàn thị xã cùng tên: Ngã Năm. Sở dĩ có tên gọi này là do chợ nổi nằm chính tại giao điểm của năm nhánh sông đi năm ngả: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp. Đến đây chúng ta sẽ được ngắm nhìn những nét đơn sơ giản dị ,phản ánh nét sinh hoạt cũng như văn hóa của người dân miền sông nước Tây Nam Bộ nói chung và đặc biệt với những người phụ nữ miền sông nước Nam Bộ nói riêng, những người phụ nữ cần cù, chịu thương chịu khó hi sinh cả một đời vì gia đình thân yêu. Cuộc sống hàng ngày của họ gần như đã gắn liền với dòng sông, từ sinh hoạt, kinh tế, ăn uống, đi lại v.v… Mọi thứ đều diễn ra trên dòng sông này và cũng đã trải qua rất nhiều thế hệ.
Tác phẩm: Một ngày bận rộn của chị Út – tác giả Cao Thành Long
Với diện tích gần 2ha đất nằm sát mé rạch lớn, thay vì lên vuông nuôi tôm theo phương thức quảng canh cải tiến thì anh Hùng ở ấp Thanh Nhàn, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) gần 20 năm nay vẫn chọn phương thức canh tác theo lối “tự nhiên – truyền thống” – trên trảng sạ lúa, dưới mương bao, mỗi tháng 2 lần xả cống theo con nước thu tép đất, tôm càng. Vô chạp, lựa con nước kém anh dọn vuông để chuẩn bị cho vụ lúa mới. Lúa cấy trong vuông hầu như sử dụng rất ít phân hoá học và không dùng thuốc trừ sâu vì sẽ ảnh hưởng đến cá, tôm sinh trưởng tự nhiên dưới những mương bao. Trời vừa hửng sáng chủ nhà bắt đầu thu tôm, thu cá bằng cách dùng “bình xiệc điện” vì tôm, cá sau khi thu hoạch bằng cách này rọng lại vẫn sống tốt để bạn hàng vào cân, “vô oxy” chuyển đi bán tươi sống. Cá nhỏ, tôm nhỏ trong vuông cũng không chết như khi chọn cách dọn vuông bằng cách “thuốc cá”. Tôm, cá trong vuông hoàn toàn không bổ sung thức ăn công nghiệp nên cá, tôm bán luôn được giá.
Tác phẩm: Mưu sinh – tác giả Nguyễn Văn Tuấn
Người dân nghèo Khmer ngâm mình dưới cống giữa làn nước để bắt từ con cá lòng tong về nuôi sống gia đình.