Lưu ý: Các tác phẩm được sắp xếp ngẫu nhiên, không theo thứ tự điểm số.
Thể lệ và cách thức tham dự cuộc thi vui lòng xem tại đây.
Tác phẩm: Thuyền hoa – Đỗ Trọng Danh
Cứ mỗi độ xuân về Sa Đéc là nơi cung cấp hoa phần lớn đến các nơi khác trong cả nước, do vấn đề thổ nhưỡng nơi đây thường ngập úng nên người dân nơi đây thường trồng hoa nổi trên các giàn cao và phương tiện di chuyển chính là bằng ghe, họ thường sử dụng nó mỗi khi chăm sóc và di chuyển hoa ra vào.
Tác phẩm: Bình đẳng giới – Nguyễn Ngọc Hải
Đàn ông và phụ nữ trong gia đình cùng chung tay góp sức , mỗi người một việc , phụ nữ thì kiểm tra vá lưới, đàn ông thì làm những việc khó và nặng nhọc hơn để chuẩn bị cho chuyến đi biển tiếp theo khi mọi việc đã hoàn thành, tốt đẹp.
Tác phẩm: Sạt lở bờ sông – Nguyễn Hoài Bảo
Người dân ĐBSCL đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai mang lại. Trong đó nổi bật nhất là tình trạng sông rạch, kênh mương bị sạt lở, hạn hán thất thường. Môi trường nước sinh hoạt lại bị ảnh hưởng do nhiều chất thải. Sạt lở bờ sông do thay đổi môi trường tự nhiên, thay đổi dòng chảy, đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân sống ven các sông ở ĐBSCL. Trong các năm gần đây, do biến đổi khí hậu, vào mùa khô mực nước xuống rất thấp, mưa nhiều, gây nên hiện tượng sạt lở ven các sông ở nhiều nơi. Nhiều nhất là ở những vùng cù lao và đất bãi bồi. Lượng phù sa từ thượng nguồn đưa về hạ lưu trong những năm gần đây, cũng không còn nhiều như trước, mạch nước ngầm lại khai thác quá mức. Nên vào mùa khô, khi mực nước triều xuống thấp. Hiện tượng sụt lún, trượt mái, gây sạt lở ven sông,ngày càng tăng Các cồn cát ngầm ở đầu nguồn, cũng góp phần tạo nên những cản trở cho dòng chảy, nên dòng nước khoét sâu vào bờ, càng làm gia tăng thêm tình trạng sạt lở bờ sông. Sạt lở nhiều nhất là ở các vùng cù lao khi có nền hạ rất yếu. Trong ảnh là hình ảnh sạt lở bờ sông cù lao sông Cái Vừng – Đồng Tháp năm 2017.
Tác phẩm: Theo mẹ bắt ốc – Trần Xuân Long
Vùng đồi núi tỉnh An Giang thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Sinh kế của người dân vùng này chủ yếu từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Là vùng thường xuyên xảy các đợt khô hạn, đặc biệt là vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Vì vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân thường bị ảnh hưởng bởi các đợt hạn hán gây ra như giảm năng suất lúa, mất mùa và đất bỏ trống không sản xuất được. Trong điều kiện biến đổi khí hậu những ảnh hưởng này ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhận thấy vai trò của nguồn nước đối với sản xuất và đời sống người dân, cũng như thực hiện các chiến lược thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Tỉnh An Giang cho xây dựng các hồ chứa dưới các chân núi nhằm dự trữ nguồn nước trong mùa mưa. Bên cạnh việc cung cấp nước cho người dân có thể sản xuất trong mùa khô hạn. Hồ chứa còn đem lại nguồn thu nhập cho các hộ nghèo bằng việc đánh bắt thủy sản.
Tác phẩm: Mùa mới bắt đầu – Nguyễn Nam Phương
Những cơn mưa đầu mùa đổ xuống,nước đã tràn dâng trên những cánh đồng và một vụ mùa mới bắt đầu. Để có một mùa lúa bội thu, người ta luôn chuẩn bị rất kỹ ở khâu làm đất như be bờ giữ nước, cầy ải, đánh tơi, làm phẳng mặt ruộng sao cho chỗ nào cũng có nước đều như nhau. Thường thì những công việc này do cánh đàn ông làm nhưng giờ các chị cũng sẵn sàng tham gia và làm rất khéo.
Tác phẩm: Dì Ba Sol dọn lục bình cấy bông súng – Cao Thành Long
Đầu tháng 5/2018 đã có những “cơn mưa già”, những miệng cống trong đồng bắt đầu “xổ nước rửa phèn” ra kênh, rạch. Nước tới đâu là bèo lục bình trôi tới đó. Những mảng lục bình lớn tấp dọc bờ Rạch An Nô đã phá hư đám bông súng mà dì Ba Sol trồng dọc bờ rạch trước nhà. Tranh thủ ngày không ra ruộng, dì Ba dọn bờ để cấy lại đám bông súng. Có người thì dùng cây để rào ngăn lục bình, còn dì Ba Sol thì dùng dây cho dễ làm và nhanh hơn. Dọn trống rồi thì tách mấy mụt bông súng chia ra để cấy xuống sình (bùn). Tầm nửa tháng là đã có bông súng để “nấu canh chua hay chấm mắm kho”. Để dây nổi trên mặt nước chặn lục bình thì dùng phao là chính những chai nhựa PET đựng nước.
Tác phẩm: Cuộc sống mùa lũ ở đầu nguồn – Nguyễn Hoài Bảo
Khi mực nước tại đầu nguồn sông Tiền sông Hậu bắt đầu vào báo động 1 thì những vùng trũng nơi đầu nguồn đã bị ngập tràn trong nước. Một lượng lớn phù sa và tôm cá cũng bắt đầu vào đồng, mang lại một lượng lớn thủy sản quý báu cho người dân.
Tác phẩm: Bến nước, dòng sông – Võ Ngọc Diệp
Tuổi thơ của tôi đã từng gắn chặt với dòng sông, bến nước. Mỗi con sông, con rạch, đối với tôi đều có sức quyến rũ diệu kỳ. Nhất là những lúc đi xa, dòng sông quê và bến nước tuổi thơ lại là nơi để thương, để nhớ và để hoài niệm. Phường 4, Thành phố Sa Đéc nằm dọc Sông Tiền bị sạt lở đất nghiêm trọng, nay đã xây dựng bờ kè, bến nước thật đẹp, cuộc sống cư dân nơi đây đã ổn định. Một sáng, bên bến nước thật đẹp , gặp ba mẹ con đang tập bơi trong dòng nước trong veo, những kỷ niệm tuổi thơ thật đẹp ùa về…
Tác phẩm: Dòng sông bên nhà – Nguyễn Nam Phương
Để có nước uống, người ta sẽ hứng nước mưa và trữ trong những cái lu bên hông nhà, hoặc lên bờ mua nước đóng sẵn trong bình. Còn lại, các sinh hoạt hàng ngày như giặt giũ, tắm rửa… đều dùng nước sông. Đây là thói quen của những người dân sống trên sông, dẫu biết thói quen ấy sẽ làm dòng sông trở nên ô nhiễm và chính họ cũng đang sử dụng sự ô nhiễm do mình tạo ra. Có cách nào để thay đổi thói quen này không? Có lẽ là không! Bởi sự tiện lợi có sẵn ngay bên do dòng sông mang lại.
Tác phẩm: Niềm vui nước sạch về làng – Lê Quốc Việt
Vào mùa hanh khô, bể chứa nước mưa cạn kiệt, nhiều gia đình ở nông thôn buộc phải sử dụng nguồn nước từ tuyến mương nội đồng dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp để sinh hoạt hằng ngày. Biết là không đảm bảo vệ sinh, nhưng đối với nhiều hộ thì việc tham gia mua nước sạch sinh hoạt đây là số tiền lớn, bởi hầu hết người dân trên địa bàn cuộc sống còn nhiều khó khăn. Và đến khi có được nước sạch sử dụng thì từ trẻ em đến người lớn đều rất vui mừng, nhìn thấy con trẻ đùa với những giọt nước sạch, người mẹ còn vui mừng không kể xiết.