Nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ đã cam kết đồng hành với các tỉnh và thành phố trong vùng và sẵn sang làm đầu mối trong công cuộc phát triển bền vững ĐBSCL.
Với mục đích nâng cao nhận thức nhà quản lý, cán bộ địa phương, nhà khoa học và các đơn vị có liên quan đến vấn đề suy giảm nguồn nước dưới đất và sụt lún đồng bằng, từ tháng 6/2021, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ (Viện DRAGON-Mekong) phối hợp với tổ chức Arcadis (Hà Lan) triển khai các hoạt động về “Truyền thông, Nhận thức và Hành động”; đây là một hợp phần của dự án “Quản trị về sụt lún đất và quản lý nước dưới đất tại đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” dưới sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan. Dưới đây là bài chia sẻ từ Viện DRAGON-Mekong do PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí và Th.S Nguyễn Thanh Lộc thực hiện.
Các hoạt động về “Truyền thông, Nhận thức và Hành động” liên quan đến nước dưới đất và sụt lún đất ĐSBCL
Khai thác nước dưới đất quá mức và sụt lún đất tại ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích khoảng gần 3.9 triệu ha và 17 triệu cư dân, là khu vực nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Mặc dù vùng ĐBSCL chiếm 17% GDP, diện tích trồng lúa chiếm 47%, sản lượng gạo chiếm 56% và xuất khẩu thủy sản chiếm 60% của cả nước, nhưng đây lại là vùng được đánh giá là một trong ba vùng đồng bằng châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu cùng áp lực gia tăng dân số và phát triển kinh tế, xã hội đã và đang gây ra những thách thức nghiêm trọng đến tài nguyên nước dưới đất vùng ĐBSCL, vốn có vai trò đặc biệt quan trọng, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các địa phương trong vùng.
ĐBSCL là một trong các vùng có tiềm năng nước dưới đất lớn nhất cả nước, gồm 7 tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố từ vài chục đến vài trăm mét, với trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngọt khoảng 22,5 triệu m3/ngày[1].Tuy nhiên việc khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất có xu hướng ngày càng tăng trong thời gian gần đây, dẫn đến việc suy thoái đáng lo ngại cả về chất và lượng. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân chính gây sụt lún bề mặt đất vùng ĐBSCL. Qua kết quả nghiên cứu từ dự án “Rise and Fall”[2] cho thấy tốc độ sụt lún tại vùng ĐBSCL lên đến 2,5 cm/năm[3].
Các hoạt động về “Truyền thông, Nhận thức và Hành động”
Với mục đích nâng cao nhận thức nhà quản lý, cán bộ địa phương, nhà khoa học và các đơn vị có liên quan đến vấn đề suy giảm nguồn nước dưới đất và sụt lún đồng bằng, từ tháng 6/2021, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ (Viện DRAGON-Mekong[4]) phối hợp với tổ chức Arcadis (Hà Lan) triển khai các hoạt động về “Truyền thông, Nhận thức và Hành động”; đây là một hợp phần của dự án “Quản trị về sụt lún đất và quản lý nước dưới đất tại đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” dưới sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan. Dự án sẽ triển khai các hoạt động chính bao gồm:
Hình thành và duy trì việc kết nối cộng đồng đối với những cán bộ địa phương, các doanh nghiệp công ty ở vùng ĐBSCL mối quan tâm chung (Community of Interest- CoI) và Cộng đồng thực hành (Community of Practice – CoP) như Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên Môi trường, Chi cục Thủy lợi, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Công ty Cấp nước của 13 tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cùng các nhà khoa học thuộc các Viện trường trong vùng ĐBSCL.
Dự án sẽ kết hợp với Mạng lưới Bảo vệ môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (MekongNet), đang được điều phối bởi Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, để tạo cầu nối chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác về các vấn đề quan tâm của CoI và CoP thông qua nền tảng mạng xã hội, tọa đàm café và các buổi chia sẻ định kỳ. Dự án cũng xây dựng một website[5] để lưu trữ và phổ biến thông tin của dự án.
Dự án sẽ tổ chức các hội thảo cấp vùng để thảo luận các vấn đề có liên quan và xác định một số giải pháp để sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất tại vùng ĐBSCL, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, dự án cũng sẽ góp phần phổ biến các tài liệu và văn bản liên quan về khai thác sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất đến cộng đồng CoI và CoP trong dự án. Kết quả của dự án này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan địa phương, nhà quản lý và các bên có liên quan đối với tác động của suy giảm nguồn nước dưới đất và sụt lún tại vùng ĐBSCL.