Kêu gọi gửi ảnh và các câu chuyện về sự suy thoái môi trường của sông Mê Kông

Sông Mê Kông là nơi có nghề nuôi trồng và đánh bắt cá nước ngọt đa dạng nhất trên thế giới cùng với sự đa dạng sinh học lớn nhất chỉ sau Amazon. Dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy qua lục địa Đông Nam Á trước khi đổ vào Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam và chảy ra Biển Đông. Sông Mê Kông là nguồn cung cấp lương thực cho hơn 60 triệu người dân sinh sống dọc tuyến sông. Trong số đó có những cộng đồng bản địa phụ thuộc vào sông Mê Kông để kiếm sống dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như tạo ra thu nhập. Phương thức sinh hoạt của họ ngày nay đang bị đe doạ bởi cuộc đua xây dựng đập thuỷ điện đang diễn ra kể từ ngày con đập đầu tiên được xây dựng trên dòng chính của sông Mê Kông cách đây 20 năm.

Hiện nay, 11 con đập đã được lên kế hoạch xây dựng tại dòng chính hạ lưu sông Mê Kông, và hơn 300 con đập khác đang chờ đợi trên các dòng phụ. Những cộng đồng ven sông sống ở vùng hạ lưu đã phải chịu sự ảnh hưởng bởi những tác động tích lũy. Đập thuỷ điện sông Mê Kông đầu tiên – đập Xayaburi ở Lào được vận hành để chạy thử vào tháng 7 năm 2019 đã khiến cho tình trạng hạn hán trong khu vực trở nên trầm trọng hơn. Mực nước trên sông Mê Kông đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Con đập thứ hai ở hạ lưu sông Mê Kông tại Lào (Don Sa Hong) cũng đã được xây dựng để phòng tránh những lo ngại liên quan đến việc chặn lại những tuyến đường chính của các loài cá di cư đến vùng thượng nguồn và trên các nhánh của sông Mê Kông để sinh sản. Tuy nhiên trong thực tế, nó lại ảnh hưởng và đe doạ đến quá trình di cư của loài cá heo Irrawaddy đang sinh sống gần khu vực biên giới Lào – Campuchia, cũng là vị trí của con đập thuỷ điện.

Thêm vào đó, trong vô vàn những tác động do các con đập gây ra, sự đổ sập của “đập yên ngựa” Xe Pian-Xe Namnoy ở sông Se Kong, một nhánh của sông Mê Kông ở Nam Lào, đã khiến cho ít nhất 40 người thiệt mạng và hơn 4.500 người phải di dời chỗ ở. Đây như là một lời cảnh tỉnh về những thiệt hại mà các con đập gây ra, đe doạ đến đời sống của con người cũng như sự vô trách nhiệm của các tập đoàn đa quốc gia.

Việc kết hợp vận hành các đập thuỷ điện thượng nguồn và hạ lưu đã chặn lại các chất dinh dưỡng tự nhiên phong phú, các trầm tích và dòng chảy của nước. Vào cuối năm 2019, nước sông Mê Kông chuyển sang màu xanh hiếm thay vì màu nâu mà nó thường có. Màu xanh của sông Mê Kông chính là phản ánh cho sự “chết chóc” của các sinh vật thuỷ sinh, các loài động vật khác sống ở bờ sông Mê Kông và hàng triệu người mà sinh kế của họ phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học của dòng sông này.

Mạng lưới các chuyên gia về môi trường, xã hội dân sự, truyền thông và giới hàn lâm vẫn bền bỉ tiếp tục ủng hộ các biện pháp thân thiện với môi trường và xã hội đối với sông Mê Kông. Họ đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của những con đập như vậy trong bối cảnh các hình thức năng lượng xanh khác như năng lượng mặt trời, việc giảm nhẹ rủi ro liên quan đến xây dựng công trình thuỷ điện và các tác động kinh tế – xã hội ảnh hưởng tới người dân địa phương. Sáng kiến này hợp tác cùng viện Samdana nhằm đóng góp cho những nỗ lực không ngừng thông qua việc sử dụng một cách sáng tạo tài liệu hình ảnh và nghệ thuật. Chúng tôi kêu gọi tất cả những người có quan tâm, đặc biệt là các tổ chức làm việc với cộng đồng ở vùng sông Mê Kông chia sẻ những câu chuyện hình ảnh của họ. Những bức ảnh và các tác phẩm nghệ thuật kèm theo một bài viết ngắn cần phản ánh về bốn chủ đề chính như sau:

  • Sự suy thoái về môi trường trên sông Mê Kông.
  • Sự tàn phá của các đập thuỷ điện và sự can thiệp của quá trình phát triển ảnh hưởng đến dòng sông.
  • Những tác động đến cuộc sống và sinh kế của những người dân và cộng đồng sinh sống phụ thuộc vào sông Mê Kông.
  • Những câu chuyện về vận động chính sách và cách các mạng lưới cũng như các nhóm dân sự ủng hộ và cố gắng hạn chế thiệt hại đối với môi trường và xã hội (“lịch sử đối lập”).

 

Bài viết ngắn có thể được viết bằng tiếng Anh hoặc bằng bất kỳ ngôn ngữ Mê Kông nào (sau này sẽ được dịch sang tiếng Anh).

Nếu Quý vị  có một câu chuyện hoặc ý tưởng nhằm đóng góp cho sáng kiến này, hãy liên hệ với chúng tôi tại southeastasiajunction@gmail.com, tại Instagram và Twitter @seajunction hoặc Facebook @sea-junction.

Mong được cộng tác với tất cả các Quý vị vì một sông Mê Kông khoẻ mạnh hơn!

Liên quan đến bài viết

Bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *